Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 22.5.2020) để thay thế Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đã hết hiệu lực, được xem là động lực mới để doanh nghiệp (DN), hộ gia đình đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời (NLMT).
Gỡ nút thắt
Theo đại diện Công ty CP Năng lượng QSOTEK (TP.Đà Nẵng) - đơn vị chuyên cung cấp, lắp ráp các thiết bị thu điện NLMT, sau gần 10 tháng chờ đợi, Chính phủ đã có quyết định chính thức về giá mua lại điện NLMT. Đây là lúc nhiều nhà đầu tư tính toán tiếp tục đầu tư để được hưởng mức giá mới. Chính vì vậy, Quyết định 13 được xem là chìa khóa tháo gỡ nút thắt về giá điện NLMT và tạo cơ hội cho DN và các hộ kinh doanh đầu tư ĐMTMN.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Quyết định 13, đối với các dự án NLMT vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ, kể từ ngày 1.1.2020 đến 31.12.2020, giá mua điện (chưa bao gồm giá trị gia tăng) là 1.940 đồng/kWh tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31.12.2019 là 23.155 đồng/USD.
Kể từ năm 2021 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm giá trị gia tăng) được xác định theo từng năm bằng tiền đồng Việt Nam (tính đến hàng đơn vị đồng, không làm tròn số) tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước.
Cũng theo Quyết định 13, bên cạnh biểu giá mua điện mới, đối với các dự án ĐMTMN, điểm mới trong quyết định là trường hợp bên mua điện không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị được ủy quyền, giá mua điện và hợp đồng mua điện do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Như vậy, bên mua điện và bên bán điện có thể tự thỏa thuận về giá cả, cách thức để sử dụng điện trực tiếp từ hệ thống NLMT. Hình thức này phù hợp với mô hình đầu tư điện NLMT trên mái các nhà xưởng, các trung tâm thương mại hoặc các cao ốc để bán lại điện cho người sử dụng bên dưới…
Như vậy, người đầu tư ĐMTMN các nhà xưởng, trung tâm thương mại, cao ốc bên cạnh cơ hội bán điện cho EVN vẫn có thể thương lượng để bán điện lại cho người sử dụng bên dưới. Cơ chế mới này sẽ giúp đa dạng hóa phương thức thanh toán tiền mua điện NLMT cho người dân, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư điện NLMT...
Đồng hành với khách hàng
Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (Quyết định 13) quy định rõ giá mua điện cả 3 loại hình gồm điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Cụ thể, giá mua điện với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất là 1.644 đồng/kWh, giá mua ĐMTMN là 1.943 đồng/kWh. Mức giá này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Theo đó, tiêu chí xác định dự án ĐMTMN là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1MW (hoặc không quá 1,2 MWp), đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống.
Do thời hạn áp dụng giá mua bán cố định mới sẽ kéo dài trong 20 năm nhưng chỉ áp dụng cho các dự án đấu nối, vận hành thương mại đến hết ngày 31.12.2020 theo quy định của Quyết định 13 cho nên các nhà đầu tư sẽ phải chạy đua để được hưởng mức giá Chính phủ vừa ban hành.
Thời gian qua, Công ty TNHH Sâm Sâm đã ký kết hợp đồng với Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung triển khai thi công lắp đặt hệ thống ĐMTMN cho công ty với công suất 990kWp. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị vận hành phát điện trước 31.12.2020. Dự án hệ thống NLMT sẽ được triển khai với hơn 2.500 tấm pin NLMT thương hiệu AE Solar và 14 bộ biến tần Inverter của SMA, dự kiến trung bình mỗi năm hệ thống sẽ cung cấp 1.585GWh sản lượng điện vào hệ thống điện quốc gia và thời gian hoàn vốn từ 8 - 9 năm.
Ông Lưu Văn Lục - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sâm Sâm cho biết, việc sử dụng nguồn NLMT là giải pháp tối ưu và mang lại hiệu quả cao. Hệ thống này nhằm tiết kiệm điện năng với ưu điểm nổi bật không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp DN giảm thải khí CO2 ra môi trường, giúp DN thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa qua các nước EU.
Theo ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều DN và hộ gia đình đầu tư lắp đặt ĐMTMN và xem đây là giải pháp hiệu quả trong tiết kiệm chi phí, giảm tải cho nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, gia đình.
Toàn tỉnh hiện có 366 khách hàng đầu tư lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt hơn 5,4MWp và thực hiện hợp đồng mua bán điện. PC Quảng Nam đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các khách hàng lắp đặt ĐMTMN thông qua cơ chế một cửa, đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cung cấp các dịch vụ đăng ký mua bán ĐMTMN trực tuyến. Hiện nay, trình tự thủ tục đấu nối và mua điện mặt trời rất đơn giản, sau khi lắp đặt, chủ đầu tư có nhu cầu bán điện chỉ cần liên hệ Tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện để được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời.
“ĐMTMN đang là xu hướng phát triển năng lượng bền vững được Chính phủ khuyến khích sử dụng, góp phần tạo thêm nguồn năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng xanh và bền vững. Trong thời gian tới, PC Quảng Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền đến khách hàng lợi ích của việc lắp đặt ĐMTMN để khách hàng đầu tư lắp đặt. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc lắp đặt công tơ, nối lưới hệ thống ĐMTMN, ký hợp đồng mua bán điện. PC Quảng Nam cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà cung cấp để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất” - ông Tuấn nói.