Khai thác hải sản trên các vùng biển xa ngày càng khẳng định những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả rất cần cú hích từ cơ chế để ngư dân có điều kiện đầu tư phương tiện, thuận lợi hơn trong việc bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều chính sách
Thời gian qua, ngành thủy sản Quảng Nam đã triển khai nhiều cơ chế khuyến khích vươn khơi của trung ương và của tỉnh để hỗ trợ ngư dân sản xuất trên các vùng biển xa. Ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang (Núi Thành) cho biết, được sự hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, trong năm 2013, ngư dân trên địa bàn đã đóng mới được 6 tàu cá có công suất từ 600CV trở lên. Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn xã có thêm 3 dự án đóng mới tàu cá có công suất lớn được khởi động. Số tiền hỗ trợ vốn vay để đóng mới tàu cá có công suất lớn trên địa bàn xã Tam Quang đến thời điểm này xấp xỉ 11,5 tỷ đồng.
Tàu cá QNa 91134 có công suất 683CV của ông Đỗ Nhựt (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang) là phương tiện đầu tiên được hạ thủy từ vốn vay của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam.Ảnh: QUANG VIỆT |
Song song với hoạt động của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND để hỗ trợ lãi suất vốn vay giúp ngư dân cải hoán hoặc đóng mới tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có gần 300 triệu đồng hỗ trợ vốn vay được giải ngân nên mới chỉ đáp ứng được một số nhu cầu đóng mới hoặc cải hoán tàu cá có công suất lớn của ngư dân trên địa bàn. “Hỗ trợ lãi suất vốn vay để đóng mới, cải hoán tàu cá chỉ được giải ngân sau đầu tư. Trong khi đó, mặc dù có nhu cầu lớn nhưng vì không đủ thế chấp nên ngư dân không thể đóng mới hoặc cải hoán tàu cá được. Do vậy, chính sách hỗ trợ này, mặc dù hỗ trợ lãi suất vốn vay ở mức tối đa, vẫn nằm ngoài tầm với của ngư dân. Nên chăng cần điều chỉnh lại quy định hỗ trợ đầu tư bằng số tiền cụ thể để ngư dân có thể tiếp cận. Cách làm này đã phát huy hiệu quả ở một số địa phương như TP.Đà Nẵng” - ông Nguyễn Tin đề xuất.
Chủ trương khuyến khích vươn khơi, sản xuất trên các vùng biển xa của trung ương đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Từ năm 2011, Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển; hỗ trợ trang thiết bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS); hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên có hiệu lực. Đến thời điểm này, ngư dân xã Tam Quang đã nhận được hỗ trợ từ chính sách này là 23 tỷ đồng. “Để nhận được hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển, chúng tôi phải đáp ứng được điều kiện là sản xuất trên vùng biển xa đủ thời gian 15 ngày. Nhiều khi mỗi chuyến biển của chúng tôi trên các vùng biển xa chỉ giới hạn dưới 15 ngày nên chỉ nhận được hỗ trợ 2 hoặc 3 chuyến biển chứ không được 4 chuyến biển/năm. Sản xuất trên các vùng biển xa nhiều rủi ro mà chi phí lại quá lớn nên đề xuất cấp trên giới hạn thời gian sản xuất trên biển để ngư dân dễ dàng nhận hỗ trợ” - ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) nói.
Cần vốn và hạ tầng
Theo ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, Khu neo đậu tàu cá An Hòa được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư 80 tỷ đồng để thuận tiện tránh trú bão cho tàu cá của ngư dân nhưng từ khi xây dựng đến nay ngư dân không dám đưa tàu vào tránh trú. Nguyên nhân là âu thuyền được bố trí nơi đầu sóng ngọn gió mà không có kè chắn sóng nên tàu dễ va đập, hư hỏng. Ông Tin đề xuất, các cấp, ngành cần sớm triển khai xây dựng kè chắn sóng, đảm bảo an toàn cho tàu cá khi neo đậu như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong chuyến khảo sát, kiểm tra âu thuyền vừa qua. |
Có thể nhận thấy, số lượng tàu cá có công suất từ 90CV trở lên trên địa bàn tỉnh ngày một tăng lên. Cụ thể, năm 2007 chỉ có 106 phương tiện, đến năm 2013 là 361 và thời điểm này có 376 chiếc. Tuy nhiên, hiện số tàu cá hoạt động xa bờ của Quảng Nam chỉ mới chiếm 8,7% tổng số tàu cá của tỉnh. Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng tàu cá công suất nhỏ chiếm tỷ lệ vượt trội, khai thác ven bờ tiềm ẩn nguy cơ gây cạn kiệt nguồn lợi. Do vậy, để phát triển nghề cá cần phải có chiến lược hợp lý, trong đó giải pháp hỗ trợ về vốn để đầu tư, nâng cấp phương tiện là cú hích, động lực lớn cho ngư dân. Bởi hiện năng lực tài chính của ngư dân còn hạn chế, tài sản cố định có thể thế chấp có giá trị thấp, trong khi tàu cá là phương tiện sản xuất tiềm ẩn rủi ro cao nên ngân hàng hạn chế cho vay hoặc cho vay ở mức rất thấp...
Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND xã Tam Quang (Núi Thành) về tình hình khai thác hải sản và thực trạng đời sống của ngư dân trên địa bàn. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, điều đáng quan ngại nhất trong hoạt động nghề cá của xã là chưa có cảng cá phục vụ hậu cần sản xuất của ngư dân. Trên địa bàn xã mới chỉ có các cầu cảng nhỏ do tư nhân xây dựng để tiện thu mua hải sản. Hoạt động tự phát của các cầu cảng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sinh hoạt của người dân mà còn gây “khó dễ” cho ngư dân khi tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, trên địa bàn xã đã có cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá nhưng tạm bợ do phải thuê lại quỹ đất của Công ty Trường Thành. Cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá này không đáp ứng được nhu cầu đóng mới cũng như sửa chữa tàu cá của ngư dân do giá quá cao và cơ sở hạ tầng còn hạn chế. “Đề nghị UBND tỉnh rà soát lại quy hoạch để có thể bố trí đất giúp xã xây dựng 1 cảng cá và 1 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá” - ông Tin nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT