Đoàn chuyên gia Quỹ khí hậu và phát triển Hà Lan và Quỹ bảo tồn thiên nhiên toàn cầu tại Việt Nam đã có chuyến khảo sát, đánh giá tiềm năng tiếp nhận các gói hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các dự án đang được các công ty thực hiện tại Quảng Nam vào cuối tuần qua.
Phát triển sâm dưới tán rừng
Dự án “Phát triển cây sâm Ngọc Linh bền vững dưới tán rừng” của Sâm Sâm Group là một trong hai dự án được Đoàn chuyên gia Quỹ khí hậu và phát triển Hà Lan (DFCD) và Quỹ bảo tồn thiên nhiên toàn cầu (WWF) Việt Nam khảo sát.
Vượt qua quãng đường khá dài từ Tam Kỳ đến vùng trồng sâm dưới tán rừng tại thôn 2 (xã Trà Linh, Nam Trà My), các chuyên gia bày tỏ rằng họ rất thích thú khi được leo núi, dạo dưới tán rừng nguyên sinh, nhìn ngắm và nghe thuyết minh về cây sâm Ngọc Linh tại dãy núi Ngọc Linh.
Đoàn chuyên gia đã tìm hiểu khá kỹ về cây sâm Ngọc Linh, kể cả việc tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để có nhìn nhận bao quát, toàn diện hơn về dự án mà Sâm Sâm Group đang thực hiện.
Ông Huib-Jan de Ruijter - chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) đánh giá đây là dự án rất khác biệt và độc đáo so với các dự án đã được đầu tư trên toàn cầu, do tính đặc hữu của một loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao trên thị trường… nhưng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về sản xuất thuận thiên.
Dự án cũng có tính hiệu quả cao do phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, được quản trị tốt từ khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, nhân giống, sản xuất sản phẩm từ sâm, không chỉ tạo hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp mà còn cho cộng đồng người dân vùng dự án, đặc biệt là bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững, góp phần hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Stuart Beavis - Giám đốc Dự án của WWF nhận định: “Chúng tôi đánh giá cao dự án trồng sâm bền vững dưới tán rừng này. Quan điểm của nhà tài trợ mong muốn tiếp nhận thêm những dự án đầu tư mang tính bền vững, bảo vệ môi trường rừng, thân thiện với thiên nhiên.
Nhà tài trợ sẽ có sự phối hợp với các đơn vị có dự án mang lại hiệu quả bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên, tạo được sinh kế bền vững dưới tán rừng cho người dân. Tôi mong sẽ có những bước hợp tác mới, góp phần bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam và trên toàn cầu”.
Dự án này của Sâm Sâm Group do WWF và hai tổ chức quốc tế là DFCD và FMO phối hợp thẩm định và cho vay tài chính. “Phát triển cây sâm Ngọc Linh bền vững dưới tán rừng” là 1/20 dự án toàn cầu và là 1/8 dự án của châu Á được lựa chọn do đáp ứng các mục tiêu bảo tồn được nguồn gen gốc của cây sâm Ngọc Linh; phát triển bền vững, không có tác động tiêu cực nào đến hệ sinh thái rừng và môi trường cảnh quan.
Đây là mô hình kinh tế nông nghiệp thuận thiên có khả năng nhân rộng cao, giải quyết lao động, nâng cao thu nhập cho người đồng bào dân tộc thiểu số trên nguyên tắc đồng thuận và thông tin đầy đủ đến cộng đồng khu vực triển khai dự án, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý rõ ràng.
Sâm Sâm Group hiện trồng được 500 nghìn cây sâm Ngọc Linh nhiều năm tuổi trên diện tích 200ha, vùng trồng xây dựng theo tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).
Giai đoạn 3 của dự án Sâm Sâm Group sẽ thu hoạch 400 nghìn hạt và trồng mới 500 nghìn cây 1 năm tuổi từ nguồn giống hữu tính và vô tính (phương pháp nuôi cấy mô). Nhà máy chiết xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh rộng 2,5ha, vốn giai đoạn 1 là 120 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ).
Ngoài hợp tác chiến lược với một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh trong nước, Sâm Sâm Group cần vốn hỗ trợ từ nguồn của DFCD khoảng 20 triệu euro để mở rộng vùng trồng, nâng cao năng lực sản xuất giống, chiết xuất và sản xuất nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh để cung cấp cho thị trường trong nước và hoàn thiện các quy trình, thủ tục pháp lý để đưa sản sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới, tạo kinh tế và sinh kế bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp và người trồng sâm ở Việt Nam.
Trồng rừng bền vững
Trung Trường Sơn là một điểm nóng về vấn đề bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, là nơi có nhiều cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh ngành lâm nghiệp tại khu vực đang đối mặt với các vấn nạn phá rừng, trồng keo độc canh, ngành lâm nghiệp còn manh mún với sinh kế của người dân còn thấp, WWF và Bộ NN&PTNT thúc đẩy phát triển các dự án thuận thiên tại đây thông qua các chương trình hợp tác với DFCD. Các giải pháp thuận thiên được hiểu là những dự án vừa có khả năng sinh lời về mặt tài chính vừa góp phần hỗ trợ các vùng cảnh quan và các nền kinh tế phát triển bền vững và có khả năng phục hồi tốt.
Chính phủ Hà Lan đã dành ngân sách 160 triệu euro thông qua DFCD nhằm tăng khả năng phục hồi của các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Sau hơn 2 năm triển khai, dự án “Mô hình dự án sản xuất giống công nghệ cao, phát triển rừng gỗ lớn và chế biến gỗ có chứng chỉ” của Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam (QNAFOR) là một trong 8 dự án thuộc Khu vực châu Á được DFCD đánh giá hiệu quả và hỗ trợ vay vốn.
Trên cơ sở nền tảng các hoạt động chính bao gồm sản xuất giống chất lượng cao, hợp tác với lâm hộ huấn luyện và trồng rừng bền vững có chứng chỉ FSC; chế biến gỗ và sản xuất viên nén, QNAFOR được sự đồng hành và hỗ trợ của DFCD để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án “Mô hình dự án sản xuất giống công nghệ cao, phát triển rừng gỗ lớn và chế biến gỗ có chứng chỉ”.
Mục tiêu dự án này là phấn đấu đến cuối năm 2023 tạo ra 3.600ha rừng trồng có chứng chỉ FSC, đưa vào quản lý và sử dụng phần mềm quản lý FSC trong việc quản lý rừng trồng, chuyển giao đầy đủ công nghệ nuôi cấy mô, doanh thu năm 2023 đạt 2,1 triệu euro và doanh thu cho giai đoạn 3.100 triệu euro, góp phần đảm bảo vòng đời các bon cho dự án, đảm bảo đa dạ sinh học, đảm bảo thu nhập cho người dân, đảm bảo bình đẳng giới trong khu vực….
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, DFCD sẽ tiếp tục cho QNAFOR vay vốn để thực hiện giai đoạn 3 với mục tiêu xây dựng trung tâm sản xuất giống công nghệ cao đầu tiên tại miền Trung với công suất 5 triệu cây/năm; xây dựng nhà máy viên nén gỗ với công suất 100.000 tấn/năm; mở rộng và nâng công suất nhà máy chế biến gỗ lên 70.000 tấn/năm và hoàn thiện khảo sát đánh giá 12.000ha rừng có chứng chỉ FSC.
QNAFOR đã tiếp cận hiệu quả các nguồn tài chính từ các quỹ đầu tư để hiện thức hóa mục tiêu phát triền rừng bền vững; đảm bảo hệ sinh thái rừng được giữ nghiêm ngặt, nguồn tài nguyên thiên nhiên được khôi phục và phát triển; tác động tích cực về sinh kế, bình đẳng giới, bảo tồn đa dạng sinh học và khả năng hấp thụ các bon tại khu vực.