Do sử dụng máy cũ nên nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị hỏng máy từ đầu vụ sản xuất chính đến nay, trong khi đó việc đầu tư lắp đặt máy mới có chi phí quá cao. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước đã có nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ngư dân lắp đặt máy mới để đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển.
Sử dụng máy cũ
Từ đầu vụ sản xuất chính đến nay, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị hỏng máy khi đang khai thác hải sản tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Mới nhất là tàu cá QNa-91108 có công suất 482CV của ngư dân Huỳnh Ngọc Tuấn (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) bị chết máy và được tàu Kiểm ngư 765 lai dắt về cảng Kỳ Hà (Tam Quang, Núi Thành) hôm 16.7. Trước đó, trên địa bàn huyện Núi Thành, các tàu cá QNa-90099, QNa-90334, QNa-91298… cũng không may gặp hoàn cảnh tương tự. Ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, do phải hoạt động liên tục với cường độ cao nên nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn đã bị hỏng máy. Nguyên nhân là hầu hết phương tiện sử dụng máy cũ.
Lai dắt tàu cá bị hỏng máy về bờ. Ảnh: Q.VIỆT |
Theo ông Trần Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam), đa số máy lắp trên tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh là máy “bãi”, tức máy đã qua sử dụng nên chất lượng không đảm bảo. Hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa đòi hỏi ngư dân phải nổ máy liên tục, có khi hàng tuần chưa nghỉ. Trong khi đó độ mòn cơ học của máy lớn, các bộ phận liên quan không đồng bộ nên dễ hư hỏng. “Khi mua máy “bãi”, ngư dân không thể kiểm tra, đánh giá chính xác mức độ hoạt động của máy. Trước khi lắp đặt trên tàu cá, họ hay “độ chế” nên các thiết bị của máy khó đồng bộ. Khi kiểm tra an toàn tàu cá, chúng tôi chỉ có thể đánh giá được độ hao mòn chứ không thể xác định được độ bền của máy. Chúng tôi khuyến cáo ngư dân luôn phải sửa chữa ngay các thiết bị không đảm bảo” - ông Việt nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau mỗi chuyến biển, đa số ngư dân thường kiểm tra, sửa chữa lại máy trên tàu của mình nhưng việc sửa chữa chưa đúng quy trình kỹ thuật do trên tàu không có máy trưởng chuyên trách. Một số ngư dân do lắp máy không có chế độ bảo hành nên ít quan tâm đến máy, tới khi máy quá “đát”, không thể hoạt động được nữa mới thay máy khác. Bên cạnh đó, trình độ sử dụng, ý thức trách nhiệm của ngư dân trong bảo dưỡng máy móc cũng rất hạn chế…
Hỗ trợ lắp đặt máy mới
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ tàu kiêm thuyền trưởng khẳng định họ rất muốn lắp đặt máy thủy mới 100% trên tàu cá của mình để đảm bảo an toàn và phục vụ tốt cho quá trình đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, máy mới có giá quá cao (gấp đôi máy thủy đã qua sử dụng), trong khi đó ngư dân rất khó huy động nguồn vốn. “Máy cũ có chất lượng tương đương 60 - 70% máy mới mà giá chỉ bằng một nửa. Do phải trang bị ngư lưới cụ và các thiết bị liên lạc, thiết bị dò cá quá tốn kém nên chúng tôi đành sử dụng máy cũ” - ngư dân Bùi Văn Sanh, Chủ tịch lâm thời Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Giang cho biết.
Ông Trần Văn Hưng cho rằng, lắp đặt máy cũ là điều bất đắc dĩ của ngư dân do họ phải đầu tư rất nhiều khoản trong quá trình khai thác hải sản. Tuy nhiên, với Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản mà Chính phủ mới ban hành, ngư dân sẽ có điều kiện vay nguồn vốn lớn, qua đó có thể lắp máy thủy mới cho tàu cá của mình. “Hiện đại hóa nghề cá phải bắt đầu từ việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển, nhất là ở các vùng biển xa. Do đó, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa để ngư dân có thể tiếp cận hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước để đầu tư phương tiện, trong đó tạo điều kiện để ngư dân lắp đặt máy mới” - ông Hưng nói.
Thời gian qua Quảng Nam đã khuyến khích việc trang bị máy mới trên tàu cá của ngư dân qua các Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND và Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND sửa đổi về hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, do cơ chế hỗ trợ lãi suất sau đầu tư (10% lãi suất vốn vay tính theo số tiền vay thực tế của ngư dân) nên ngư dân rất khó tiếp cận. Thực tế số tiền hỗ trợ được giải ngân từ đầu năm đến nay là 379 triệu đồng cũng chỉ là hỗ trợ khi ngư dân sử dụng máy cũ chứ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng máy mới. Nhiều ý kiến cho rằng, Quảng Nam nên giới hạn cụ thể mức hỗ trợ đầu tư như cách làm của nhiều tỉnh, thành thay vì hỗ trợ sau đầu tư để ngư dân có thể tiếp cận. Ví như cách làm của TP.Đà Nẵng là hỗ trợ 500 triệu đồng khi ngư dân đóng tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 600CV; 600 triệu đồng cho tàu có tổng công suất máy chính từ 600CV đến dưới 800CV; 800 triệu đồng cho tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên. “Khi sử dụng máy mới, ngư dân có thể đọc biết dễ dàng các thông số về áp lực dầu, nhiệt độ, khí thải… Qua các thông số biểu hiện quá trình vận hành của máy, ngư dân có thể điều chỉnh, tránh áp lực lớn lên máy, đảm bảo máy hoạt động tốt nhất trong các điều kiện phù hợp nhất” - ông Trần Văn Việt cho biết.
NGUYỄN QUANG VIỆT