Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến ngày 31.12.2015, ngành ngân hàng Quảng Nam đã dẫn đầu toàn quốc trong việc triển khai thực hiện Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ với 32 chủ tàu (toàn quốc 301 tàu) được tiếp cận vốn vay ngân hàng với giá trị hợp đồng tín dụng được ký kết là 297 tỷ đồng. Số tiền giải ngân đến nay đạt 157 tỷ đồng, chiếm 53% số tiền cam kết tài trợ.
Con số được công bố này dù được cho là khả quan nhưng vẫn còn không ít câu hỏi đặt ra. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25.8.2014 và sau đó có bổ sung những điều kiện thông thoáng hơn nhưng vì sao đến giờ vẫn chỉ có chừng ấy dự án được giải ngân trong khi nhu cầu vay vốn thì rất lớn? Mục tiêu chính sách vì dân này có thể đạt được không khi tín dụng cứ tăng trưởng chậm chạp? Lý do của sự chậm chạp này dễ nhìn thấy khi hiện tại chỉ có 3 ngân hàng tham dự vào chương trình cho vay ưu đãi này là Ngân hàng NN&PTNT (18 tàu), Ngân hàng Đầu tư và phát triển (13 tàu) và Ngân hàng Công thương (1 tàu). Còn lại các ngân hàng khác đều đã đứng ngoài cuộc. Nếu như các ngân hàng khác cũng tham dự chương trình cho vay ưu đãi này thì lẽ tất nhiên con số tàu không chỉ dừng ở số 32 chiếc như hiện tại.
Tại hội nghị triển khai ngành ngân hàng Quảng Nam năm 2016 mới đây, ông Nguyễn Bách Thọ - Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Quảng Nam cho hay, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đã tăng cao. Mức tăng trưởng hợp lý này đã giúp cho Quảng Nam đủ vốn, có điều kiện để góp phần tăng trưởng kinh tế. Chính điều này đã tạo ra sự ổn định của các tổ chức tín dụng. Không xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như trước đây. Tuy nhiên, việc cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, phổ biến nhất là các chương trình cho vay phát triển thủy sản thì hầu như chỉ có một số ít ngân hàng tham gia. Vì vậy, mong muốn của giới ngân hàng là tạo ra sự công bằng trong việc đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Câu chuyện Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản chỉ là lát cắt trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế Quảng Nam. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu như tất cả ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Quảng Nam thực sự quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp thì việc triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Số lượng vốn sẽ đổ vào nền kinh tế thực chất và hiệu quả hơn, không chỉ dừng lại ở con số 4 ngân hàng thương mại tham dự vào cuộc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp hoặc chỉ 4 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ trong năm 2015. Khuyến khích các ngân hàng đồng hành giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hay cung cấp nhiều gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp và nền kinh tế tiếp nhận nhiều hơn con số thống kê năm 2015 là điều thương giới mong mỏi, tại sao không thể?
NHẬT PHONG