(QNO) - UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu một số huyện vùng trung du xây dựng, triển khai trồng thí điểm cây măng cụt nhằm phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập người dân.
Qua khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, cây măng cụt có thể thích nghi và cho thu hoạch tốt ở một số địa phương có độ cao thấp hơn 600m so với mực nước biển; có thể trồng trên nhiều chân đất và thích hợp nhất là đất phù sa, sét pha cát, đất đỏ vàng, nhiều hữu cơ, thoát nước và giữ ẩm...
Tại Quảng Nam, địa điểm thích hợp để trồng là huyện Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước (trừ phía tây nam), Đông Giang (trừ vùng phía bắc và các xã vùng cao), phía đông các huyện Nam Giang, Bắc Trà My, các xã phía tây các huyện Quế Sơn, Phú Ninh, Đại Lộc.
UBND tỉnh giao UBND các huyện nêu trên căn cứ khuyến cáo của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ và hướng dẫn tạm thời về sản xuất cây măng cụt của Sở NN&PTNT để xây dựng các mô hình trồng cây măng cụt. Trong năm 2021, mỗi huyện thực hiện 3 - 5 mô hình thí điểm, quy mô có 5 - 10 hộ tham gia và mỗi hộ trồng 5 - 10 cây để rút kinh nghiệm, phát triển trong những năm tiếp theo.
Các huyện vận động nhân dân và chủ động bố trí ngân sách huyện cũng như lồng ghép các nguồn vốn khác để hỗ trợ nhân dân triển khai mô hình thí điểm. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, hỗ trợ nhân dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và đầu ra cho các mô hình.
UBND giao Sở NN&PTNT hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, nhân dân quy trình kỹ thuật trồng cây măng cụt, phổ biến các mô hình đã có hiệu quả trong thời gian qua để học tập, nhân rộng. Khảo sát, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và xây dựng một số mô hình áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất măng cụt, sản xuất cây giống đạt chất lượng. Quản lý chất lượng cây giống để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sản xuất...