Khuyến khích nhưng thận trọng

CHÂU NỮ 16/12/2015 09:33

Với mong muốn ngày càng có nhiều trẻ em được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, nhiều người đã lập các hội, ngân hàng để trao đổi sữa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc cho - nhận sữa mẹ cũng nên thận trọng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nha - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, có thể khẳng định tất cả bà mẹ đều có khả năng tạo sữa như nhau và có đủ sữa để nuôi con, kể cả sinh đôi, sinh ba. Khi cảm thấy ít sữa, các bà mẹ cần đến cơ sở y tế, tốt nhất là các phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” trực thuộc các cơ sở y tế trong tỉnh để xác định có đúng là mẹ ít sữa hay không và tìm nguyên nhân để cải thiện vấn đề này. Phần lớn nguyên nhân gây ít sữa ở người mẹ là cho con bú không đúng cách hoặc tinh thần mẹ không được thoải mái. “Vì một lý do nào đó, trẻ không có sữa mẹ (như nuôi con nuôi, mẹ mất, mẹ mắc các bệnh nặng, mẹ dùng thuốc...), lúc này “ngân hàng sữa mẹ” là hết sức cần thiết đối với trẻ. Tuy nhiên, hiện nay tại nước ta chưa thành lập được ngân hàng sữa mẹ nên việc nhiều bà mẹ rao cho - xin sữa mẹ trên mạng là việc nên khuyến khích, nhưng cũng hết sức thận trọng” - bác sĩ Nguyễn Thị Nha nói.

Các cơ sở y tế trong tỉnh dán áp phích khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Ảnh: C.N
Các cơ sở y tế trong tỉnh dán áp phích khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Ảnh: C.N

Xin - cho sữa mẹ

Rất nhiều lời rao xin - cho sữa mẹ trên mạng xã hội, tuy nhiên, phần lớn vẫn là xin sữa. Các bà mẹ xin sữa có niềm tin gần như tuyệt đối về sự tuân thủ quy trình cũng như sức khỏe của các bà mẹ cho sữa. Sau chuyến đi công tác dài ngày tại TP.Hồ Chí Minh, chị T.H.L. (Trường Xuân, Tam Kỳ) đột ngột mất sữa. Sau khi làm nhiều cách để kích thích sữa nhưng không thành công, chị lên mạng rao xin sữa cho con đầu lòng - khi ấy mới được 6 tháng tuổi. Sau trao đổi, tìm hiểu thông tin về cách vắt, bảo quản sữa, cũng như tìm hiểu về sức khỏe của người mẹ, chị cho con dùng sữa của một số bà mẹ khác. Và cháu dứt sữa mẹ khi được gần 2 tuổi. Trong khi đó, chị H.N. ở Hội An lại dư sữa quá nhiều nên chị lên mạng rao cho sữa và được nhiều người xin. Chị N. nói: “Tôi nghĩ cho sữa là nghĩa cử cao đẹp, để có thể được nhiều trẻ em bú sữa, chỉ cần người cho sữa biết cách vệ sinh và không mắc bệnh truyền nhiễm”.

Cộng đồng ngân hàng sữa mẹ do ông bố “gà trống nuôi con” Trình Quốc Tuấn lập trên mạng xã hội với mục đích hỗ trợ các bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ bằng cách kết nối những bà mẹ cho và nhận sữa với nhau thu hút hơn 21 nghìn người tham gia. Khi một bà mẹ trẻ lên mạng chia sẻ thông tin mình đang dùng thuốc điều bị bệnh basedown nên không thể cho con bú, ngay sau đó, nhiều bà mẹ có sẵn sữa trữ trong tủ đông xin địa chỉ để chuyển sữa đến tận nhà. “Mẹ khỏe mạnh bình thường, bé phát triển tốt, nhiều sữa nên vắt và trữ đông đúng quy trình, nay muốn tặng sữa cho những bé có hoàn cảnh đặc biệt dưới 6 tháng tuổi” - những thông báo như vậy cũng thường xuất hiện trong cộng đồng ngân hàng sữa mẹ.

Lời khuyên của chuyên gia

Việc cho - nhận sữa mẹ rất đáng được khuyến khích, nếu như bà mẹ cho sữa không mắc các bệnh truyền nhiễm (HIV, viêm gan B); sữa mẹ được vắt ra đảm bảo các khâu vệ sinh như bàn tay sạch, dụng cụ đựng sữa sạch, bảo quản sữa đảm bảo không bị nhiễm khuẩn và các bà mẹ thực hiện đúng cách cho trẻ ăn sữa đã bảo quản.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nha, các bà mẹ phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ trước khi vắt sữa bằng tay, gồm phích nước sôi, khăn bông sạch, cốc miệng rộng để hứng sữa, túi nhựa chuyên dùng, lọ thủy tinh… chứa sữa. Cốc, bình chứa sữa… phải được rửa sạch bằng xà phòng và nước sạch, tốt nhất là luộc, nếu không có điều kiện thì ngâm trong nước sôi. Trước khi vắt sữa, cần mát xa vú, đắp khăn bông ấm lên vú vài phút trước khi vắt sữa để giúp sữa về nhiều. Các bà mẹ phải cố gắng vắt được sữa từ hết các phần của vú. Và phải vắt một bên vú tối thiểu từ 3 - 5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang vắt vú bên kia rồi vắt lại cả hai bên.

Sữa mẹ được vắt ra bảo quản tốt nhất bằng bình chứa bằng thủy tinh hoặc nhựa cứng có nắp đậy kín; mỗi bình chứa sữa chỉ nên để từ 60-120ml, vừa đủ cho 1 lần ăn của trẻ. Ở nhiệt độ phòng, thời gian bảo quản tốt nhất 4 tiếng (có thể để đến 8 tiếng); tương tự, ở trong ngăn mát tủ lạnh (dưới 4 độ), tốt nhất 3 ngày, có thể để tới 8 ngày; trong ngăn đá tủ lạnh, tốt nhất 6 tháng, có thể tới 12 tháng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nha, khi cho trẻ ăn sữa đã bảo quản, cần làm nóng sữa bằng cách ngâm bình sữa trong nước nóng vài phút khi sữa ấm lên, không được đun sôi sữa. Nếu trữ sữa ở ngăn đông, cần đưa sữa lên ngăn mát tủ lạnh cho rã đông, sau đó để ở nhiệt độ thường cho tan hết đá, lắc đều sữa rồi làm nóng sữa như trên. “Nên cho trẻ ăn bằng cốc và thìa tốt hơn cho trẻ bú sữa mẹ bằng bình và núm vú giả vì dễ dàng vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần ăn, tránh cho trẻ thích bú bình mà bỏ bú mẹ; đồng thời tránh hiện tượng dị ứng… do vú cao su chất lượng không đảm bảo” - bác sĩ Nha khuyên.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khuyến khích nhưng thận trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO