Đọc sách không đơn thuần là niềm đam mê mà sách còn là kho tàng quý báu cốt giữ di sản tinh thần nhân loại.
Được tổ chức vào ngày 23.4 hằng năm kể từ năm 1995, Ngày sách thế giới - do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc phát động, đến nay được đông đảo các nước hưởng ứng. Đây là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. Hay là dịp để xây dựng được mối liên hệ mật thiết giữa các thư viện - nhà xuất bản - cơ quan phát hành và bạn đọc. Qua đó khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho mọi người, nhất là giới trẻ hiện nay.
Các em học sinh Anh đọc sách ở thư viện của trường. Ảnh: Independent |
Đối với nhiều người, đọc sách không chỉ để thỏa mãn nhu cầu giải trí, tiếp thu kiến thức mà đọc sách cũng trở thành một bản sắc văn hóa, không thể để mai một. Do đó, Ngày sách thế giới được tổ chức rất sôi động tại nhiều nước với hàng loạt các hoạt động, sự kiện có ý nghĩa nhằm tôn vinh văn hóa đọc. Nhiều triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách được mở ở rất nhiều địa điểm, là nơi gặp gỡ thú vị của các tác giả nổi tiếng và bạn đọc. Tại thủ đô Luân Đôn nước Anh, trên khắp các đại lộ là những hình ảnh, logo thu hút mọi người đến với các gian hàng trưng bày sách. Cũng vào dịp này, tại nhiều nước châu Phi, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều tình nguyện viên len lỏi tìm đến những người không biết chữ để đọc cho họ nghe những câu chuyện hay nhất, những điều bí ẩn thú vị của thế giới chung quanh…
Được xem là một trong những quốc gia châu Á có số người đọc sách nhiều nhất khu vực, sự ra đời của các tiện ích công nghệ cao không làm “xói mòn” văn hóa đọc sách của người Nhật. Họ có thể đọc sách bất kỳ nơi đâu có thể như trên các phương tiên giao thông công cộng là xe điện, xe buýt đến công viên, ngay cả giờ giải lao buổi trưa của người lao động, đến trước khi đi ngủ… Do đó, các loại sách nhỏ để bỏ túi được người Nhật rất ưa chuộng khi họ có thể mang theo bên mình dễ dàng và thuận tiện hơn. Được biết, số lượng sách và tạp chí được phát hành tại Nhật trong 10 năm qua vẫn tăng đều đặn trên 7% mỗi năm, đem về doanh thu cho nước này khoảng trên một tỷ USD.
Hiện nay, Israel được xem là nơi mà người dân đọc sách nhiều nhất trên thế giới. Đến với mỗi gia đình người Israel, ấn tượng đầu tiên ở đây là hầu hết mỗi ngôi nhà đều có một tủ sách, truyền từ đời này sang đời khác với nhiều cuốn sách hay. Mặc dù chỉ có hơn 8 triệu dân nhưng ở Israel có tới hơn 1.000 thư viện công cộng với nhiều sách quý. Còn những năm trước đây, Ấn Độ được xem là quốc gia có nhiều người đọc sách nhất, họ dành khoảng 11 giờ mỗi tuần để đọc sách. Tại các nước châu Âu như Anh, Pháp… hay Mỹ cũng là nơi nhiều người rất mê đọc sách.
Năm nay, thành phố cảng Incheon của Hàn Quốc được chọn là Thủ đô sách thế giới 2015. Từ những ngày qua, nơi đây nhộn nhịp với các hoạt động quảng bá sách, khuyến khích đọc và sáng tạo sách, tổ chức các buổi hòa nhạc và hội thảo về văn học, giao lưu với các tác giả nổi tiếng…
QUỐC HƯNG