Nuôi cá trong lồng bè ở các lòng hồ đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Quảng Nam đang khuyến khích phát triển để khơi thông các lợi thế.
Giá trị lớn
Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đang hỗ trợ các nông hộ Trương Văn Lành, Võ Xuân Hồng và Nguyễn Văn Tuấn triển khai mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè ở hồ chứa nước Khe Tân (xã Đại Chánh, Đại Lộc). Từ nguồn vốn ngân sách, ngành chức năng hỗ trợ 70% chi phí về con giống và thức ăn, các nông hộ đối ứng 30% còn lại. Mô hình được triển khai từ cuối tháng 6 trên tổng diện tích 200m3 đến nay đã cho hiệu quả bước đầu. Cụ thể, tỷ lệ cá sống là 80%, cá đạt trọng lượng trung bình 400g/con sau 4 tháng nuôi. Anh Trương Văn Lành cho biết, trong suốt quá trình nuôi, cá rất hiếm khi có biểu hiện bất thường, ít bị bệnh lại hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Cá lăng nha có giá trị kinh tế cao, lên đến 150 nghìn đồng/kg nên tôi sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian đến. Ngoài cá lăng nha, các hộ ông Võ Xuân Hồng, Nguyễn Văn Tuấn hiện đang đầu tư hàng chục lồng bè nuôi các loại cá điêu hồng, trắm cỏ, cá lóc, cá trê ở hồ chứa nước Khe Tân. “Sau khi thấy anh Lành làm giàu từ nuôi cá trong lồng bè, chúng tôi đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm kỹ lưỡng, xin phép chính quyền địa phương đầu tư nuôi cá. Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, giá trị kinh tế từ mô hình đem lại cao khiến chúng tôi rất phấn khởi” - ông Võ Xuân Hồng nói.
Tương tự, hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) có các điều kiện tự nhiên rất thuận lợi nên 14 hộ dân đã tận dụng đầu tư nuôi cá trong lồng bè. Tại đây, với mỗi lồng cá có thể tích nước chừng 75m3, các nông hộ nuôi các loại cá điêu hồng, cá chình, cá lóc, cá trắm cỏ với mật độ 100 con/m3. Sau 5 tháng thả nuôi, ở mỗi lồng, trung bình nông hộ thu hoạch được hơn 2 tấn cá, bán được xấp xỉ 100 triệu đồng. Một bè cá được đầu tư bài bản có thể bố trí đến 10 lồng nuôi cá. Sau chừng 6 tháng thả nuôi, nông hộ có thể thu lãi đến hơn 200 triệu đồng. “Các nông hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nuôi cá hàng hóa lớn đem lại giá trị kinh tế cao rất đáng mừng. Thiên nhiên đã ưu đãi điều kiện nuôi cá không thể tốt hơn, giúp nông hộ đầu tư nuôi cá thành công trong thời gian qua” - ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói.
Khuyến khích nuôi cá
Các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào nuôi cá trong lồng bè gồm Sông Tranh 2, Đắc My 4, A Vương, Sông Bung, Sông Kôn 2, Trung Lộc, Hố Giang, Đông Tiển, Phước Hà, Khe Tân... Quảng Nam kỳ vọng đến năm 2020, đạt 3 nghìn lồng bè nuôi cá ở các hồ chứa nước với sản lượng thu hoạch đạt 4.500 tấn; đến năm 2030, tăng lên 5 nghìn lồng bè tương ứng với 5.900 tấn thủy sản nuôi thu hoạch được.
Quảng Nam có tiềm năng lớn với 73 hồ thủy lợi, thủy điện để phát triển nuôi cá trong lồng bè với diện tích lên đến khoảng 10 nghìn héc ta. Loại hình mặt nước này có thể khai thác để đầu tư nhiều loại thủy sản nuôi với đa dạng hình thức như thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến. Nuôi cá trong lồng bè ở các hồ chứa nước có ưu điểm là đầu tư tốt sẽ có tác dụng cải tạo môi trường, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chất lượng lại có thể tạo cảnh quan phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Để giải quyết bài toán nuôi thủy sản nhỏ lẻ, manh mún của người dân vùng cao khi đầu tư ở các ao nhỏ, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sẽ tạo điều kiện tối đa để các nông hộ tiếp cận kiến thức nuôi cá mới, đầu tư lớn, nâng cao quy mô sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức lại sản xuất nuôi cá trong lồng bè ở các lòng hồ theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác và lớn hơn là liên kết, tạo chuỗi sản xuất khép kín theo mô hình nuôi cá, chế biến, chọn thị trường để cung ứng. Đối với các hợp tác xã, nông hộ cần chủ động hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Quảng Nam chú trọng phát triển nuôi cá trong lồng bè tại hồ thủy điện, thủy lợi với với quy mô ngày càng tăng thêm, mỗi lồng có thể tích từ 60m3 trở lên. Theo đó đã giao trách nhiệm ngành nông nghiệp tập trung các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá, hỗ trợ chi phí đầu tư, kiểm soát, phòng trừ dịch bệnh. Để thúc đẩy nuôi cá trong lồng bè ở các hồ thủy lợi, thủy điện, Sở NN&PTNT đã giao trách nhiệm Chi cục Thủy sản tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường... Cơ cấu đối tượng nuôi cá trong lồng bè ở các lòng hồ là các đối tượng chủ lực gồm cá rô phi và điêu hồng để chế biến phục vụ nhu cầu trong tỉnh và xuất khẩu. Ngoài ra, các loại cá chép lai, cá lăng, cá chiên, cá trắm đen, cá lóc cũng là những đối tượng nuôi truyền thống cần được đầu tư kỹ, nâng cao năng suất, tạo đột phá trong thời gian đến, đem lại giá trị kinh tế cao trên 1 đơn vị thể tích nuôi.