Việc tổ chức Tuần lễ sản phẩm Hợp tác xã (HTX) Quảng Nam là một cách để đưa các loại nông sản, hàng tiểu thủ công nghiệp... đến gần hơn với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng tham quan mua sắm tại Tuần lễ sản phẩm HTX Quảng Nam. Ảnh: LÊ QUÂN |
Diễn ra từ ngày 11 đến 14.10, Tuần lễ sản phẩm HTX do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển kinh tế hợp tác miền Trung Tây Nguyên tổ chức với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Tuần lễ này có hơn 100 sản phẩm từ 13 HTX của Quảng Nam và một số tỉnh như Bình Định, Quảng Ngãi được bày biện bắt mắt ngay lối vào của Trung tâm Thương mại Quảng Nam, trong đó Quảng Nam có 11 HTX tham gia.
Cơ hội quảng bá
Ông Nguyễn Văn Hùng, phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển kinh tế hợp tác miền Trung Tây Nguyên cho biết, mục đích mở ra tuần lễ này nhằm quảng bá, trưng bày các sản phẩm từ rất nhiều HTX tại Quảng Nam lẫn các tỉnh miền Trung. “Thông qua việc đưa các sản phẩm nông nghiệp ra trưng bày tại Trung tâm Thương mại Quảng Nam, chúng tôi muốn các HTX tìm được thị trường tiêu thụ, tạo cơ hội giao lưu giữa các HTX, các đơn vị cung ứng kinh doanh vật tư, nông sản” - ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Trong suốt các ngày trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Thương mại Quảng Nam (đường Nguyễn Dục, TP.Tam Kỳ), khá đông người tiêu dùng tìm đến với các gian hàng. Chị Nguyễn Thị Hải Hoàng (phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ) cho biết, các nông sản từ rau quả, trứng gà đến những sản phẩm hữu cơ khác như dầu phụng... tại các gian hàng này đều có gắn nhãn mác cũng như có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, khiến chị tin tưởng khi mua. “Lâu nay gia đình muốn tìm các sản phẩm có nguồn gốc thì phải vào siêu thị hoặc cửa hàng. Nhưng thực tế nếu ở chợ duy trì được các gian hàng nông sản sạch như vậy thì tôi nghĩ tiện ích hơn” - chị Hoàng nói. Khá nhiều bà nội trợ bị thu hút bởi sự phong phú của các mặt hàng lẫn câu chuyện về nông sản sạch được chuyển tải từ đội ngũ bán hàng.
Liên kết tìm thị trường
Lâu nay, câu chuyện đầu ra cho nông sản gây không ít khó khăn cho nông dân lẫn các tổ hợp tác, HTX. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (thị xã Điện Bàn) cho rằng, chỉ khi nào HTX trực tiếp ký kết hợp đồng với các DN để làm các dịch vụ cung ứng, chế biến tiêu thụ nông sản và thực hiện trọn gói hoạt động đầu vào – đầu ra thì thành viên của HTX mới ổn định được tâm lý, bởi không phải nằm trong cảnh lo lắng thị trường bấp bênh. “Để bảo đảm tìm được hoặc mở được thị trường nông sản một cách ổn định thì cần phải có liên kết. Nông dân khi sản xuất, không biết ai sẽ mua, mua bao nhiêu… nên phải cần vai trò của HTX trong chuỗi giá trị liên kết sản xuất nông nghiệp” - ông Nguyễn Đức Thành nói. Liên kết giữa nông dân, giữa Nhà nước và nông dân, và khâu cuối cùng là giữa doanh nghiệp và tổ chức đại diện cho nông dân là HTX để cùng tìm kiếm phương kế hợp lý cho quá trình sản xuất. Tại Tuần lễ sản phẩm HTX vừa diễn ra, sản phẩm dầu phụng Đất Quảng của HTX Nông nghiệp Điện Quang có lượng bán ra khá tốt. Theo ông Thành, những lần tham gia như thế này là cơ hội để sản phẩm của HTX mình được đông đảo người tiêu dùng biết tới. Chưa kể, trong lần tham gia này, HTX Nông nghiệp Điện Quang đã bắt tay với doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ tại Bình Định để có nguồn cung đảm bảo.
Ngoài cơ hội về quảng bá sản phẩm, việc tạo điều kiện cho HTX tiếp cận khoa học công nghệ mới để đáp ứng được nhu cầu thị trường ngày một đòi hỏi cao hơn. Cùng với quảng bá ở các thị trường truyền thống, ứng dụng thương mại điện tử cũng đang được các HTX bắt đầu triển khai. Cùng với đó, ở góc độ chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, ông Huỳnh Đức Tường - Giám đốc HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh cho biết, điều quan trọng là ưu đãi về thuế cho các HTX nông nghiệp, vì đa số thành viên HTX nông nghiệp là nông dân trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời thời gian tới, theo ông Tường, khi Nghị định 109 về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ có hiệu lực, thì chính là cơ hội cho các HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất hữu cơ rộng đường phát triển. “Nghị định này vào thực tế sẽ hỗ trợ rất lớn cho các anh làm thật – không phải để chạy dự án nông nghiệp hữu cơ tìm hỗ trợ như trước đây, ngay cả việc truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm, tìm kiếm thị trường cũng sẽ dễ dàng hơn” - ông Tường chia sẻ thêm.
Và hẳn, một quy trình khép kín từ cánh đồng sản xuất đến bàn ăn mỗi gia đình, vẫn là điều lý tưởng mà các HTX đang nỗ lực ở câu chuyện hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị đã bắt đầu vài năm ở Quảng Nam...
LÊ QUÂN