Tiên Phước là “thủ phủ” của cây măng cụt xứ Quảng bởi giống măng cụt ở đây thơm ngon nổi tiếng, được ưa chuộng hơn các loại măng cụt bán trên thị trường, giá dao động 80 - 150 nghìn đồng/kg.
Trên địa bàn huyện, xã Tiên Mỹ có diện tích trồng cây măng cụt lớn với 45ha, nhiều vườn đã trồng lâu năm. Chỉ trồng vài chục cây măng cụt, mỗi mùa trái, gia đình ông Huỳnh Bá Viên (thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ) bán trọn gói tại vườn cho thương lái, thu nhập hơn 50 triệu đồng. Đáng lưu ý, cơn bão số 9 cuối năm 2020 gây thiệt hại nặng nề cho vườn cây ăn quả ở Tiên Phước thì cây măng cụt có sức chống chịu gió bão tốt, ít bị tác động.
Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, cây măng cụt phát triển mạnh ở các xã Tiên Châu, Tiên Kỳ, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh… Năm 2020 toàn huyện có 150ha cây măng cụt, sản lượng đạt 200 tấn, cho doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Mới đây, hưởng ứng chương trình “Tết trồng cây”, người dân thôn Trà Lai được hỗ trợ 3.000 cây giống măng cụt và nhiều loại cây trồng khác để khôi phục diện tích vùng trồng cây ăn quả sau ảnh hưởng của thiên tai. Tiên Phước phấn đấu phát triển diện tích trồng cây măng cụt toàn huyện lên 300ha từ năm 2021 trở đi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, bên cạnh ưu tiên phát triển hai loại cây dược liệu chính của Quảng Nam là sâm Ngọc Linh và quế Trà My, tỉnh cũng ưu tiên phát triển và khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng cây măng cụt đặc sản, trong đó đưa Tiên Phước trở thành “thủ phủ” của cây măng cụt và một số loài cây ăn quả giá trị khác ở Quảng Nam; đồng thời nhân rộng vùng trồng đối với một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, phù hợp với cây măng cụt xứ Quảng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu Sở Khoa học và công nghệ cùng các ngành liên quan phối hợp, làm việc với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nghiên cứu sâu về đặc thù thổ nhưỡng, địa hình, giống cây trồng, giải pháp kỹ thuật tăng năng suất cây trồng, xây dựng thí điểm mô hình áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất cây giống đạt chất lượng. Từ năm 2021, tỉnh khuyến cáo mỗi địa phương cấp huyện xây dựng 3 - 5 mô hình thí điểm với quy mô mỗi mô hình từ 5 - 10 hộ tham gia, mỗi hộ trồng 5 - 10 cây để rút kinh nghiệm, đánh giá sự phù hợp.