Giá trị kinh tế rừng trên đơn vị diện tích ở Quảng Nam thấp do chậm tiếp cận đến rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế (FSC). Một số nơi đã bắt đầu quan tâm đến chuỗi trồng rừng khép kín.
Quảng Nam sẽ đầu tư mạnh cho rừng đạt chứng chỉ FSC. Ảnh: T.H |
Cam kết mua gỗ với giá cao
Thông qua dự án Trường Sơn xanh và khuyến khích của ngành lâm nghiệp, nhiều địa phương miền núi đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng đạt chứng chỉ FSC. Ngoài một số doanh nghiệp, người trồng rừng gỗ lớn đã liên kết thành mô hình hợp tác xã (HTX) có đăng ký cấp chứng chỉ FSC gắn với chế biến gỗ sau thu hoạch. Đến nay, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận (đóng tại xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hơn 120 hộ dân trong và ngoài địa bàn với tổng diện tích 750ha rừng FSC. Thông thường người dân miền núi trồng rừng với chu kỳ 4 - 5 năm là khai thác bán, nhưng khi HTX này thu mua bắt buộc rừng phải trồng ít nhất 7 năm trở lên mới thu hoạch. Một tấn gỗ lớn thực hiện trồng rừng FSC hiện có giá ít nhất 1,3 triệu đồng, trong khi gỗ để sản xuất dăm keo trên dưới 800 nghìn đồng mỗi tấn. Sở dĩ gỗ FSC có giá trị kinh tế cao vì được công nhận nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Đây là quy định bắt buộc, nếu ngành gỗ trong nước muốn xuất khẩu qua thị trường Mỹ, Nhật, các nước châu Âu.
Vì sao người trồng rừng hợp tác với HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận? Đơn giản là vì đơn vị này cam kết thu mua gỗ keo lâu năm cho các thành viên HTX cao hơn 15 - 20% so với giá thị trường. Theo tính toán, mỗi héc ta keo nguyên liệu chỉ thu được dưới 50 triệu đồng sau chu kỳ 5 năm trồng, trong khi đó gỗ lớn FSC sẽ thu tối đa lên đến 150 triệu đồng/ha sau 7 năm thu hoạch. Theo ông Nguyễn Hữu Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận, để trồng rừng gỗ lớn, một trong những yếu tố quyết định là phải đảm bảo được nguồn giống cây đạt chuẩn. Giống keo tai tượng của HTX được nhập từ Australia. Gỗ được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh chủ yếu thông qua sự hỗ trợ từ các dự án của các tổ chức phi chính phủ. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chi phí cho việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn rừng FSC hiện nay khoảng 1,6 triệu đồng. Thời điểm này, tỉnh có 2.300ha trồng rừng gỗ lớn được công nhận chứng chỉ FSC. Mục tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2020 con số này tăng lên 6.000ha và đạt khoảng 16.000ha rừng cấp chứng chỉ FSC vào năm 2025.
Cần phá rào cản
Quảng Nam có khoảng 92.000ha rừng sản xuất. Trong đó chủ yếu diện tích cây keo nguyên liệu dùng để chế biến dăm keo; diện tích rừng keo trồng để lấy gỗ lớn chỉ khoảng 16.000ha. |
Nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam, Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam… đang hợp tác với người dân trồng rừng FSC. Ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam phân tích, người trồng rừng sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp, bởi gỗ làm ra không sợ bị các đầu nậu ép giá, được công ty mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Về chế biến gỗ, Hiệp Đức có nhà máy chế biến gỗ công nghiệp MDF hoạt động với công suất 75.000m3 sản phẩm gỗ các loại và đang triển khai đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy này với công suất 200.000m3 sản phẩm mỗi năm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 nhà máy sản xuất gỗ ván ghép thanh và viên gỗ nén tại huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và Hiệp Đức với công suất bình quân 2.000 tấn sản phẩm/ năm.
Sở NN&PTNT cho biết, đơn vị đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về trồng rừng gỗ lớn đối với một số loại cây khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của miền núi. Thời gian qua, trồng rừng FSC trên địa bàn tỉnh triển khai chậm so với các địa phương lân cận. Theo quy định tiêu chuẩn công nhận gỗ FSC, hộ trồng rừng tự nguyện tham gia và cam kết tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn FSC, trong đó có các tiêu chí bắt buộc không sử dụng thuốc hóa học nằm trong danh mục cấm của Việt Nam và FSC; không xử lý thực bì bằng cách ủi trắng, không dùng thuốc diệt cỏ, không đốt thực bì; bảo vệ và duy trì vùng đệm và sinh cảnh dễ bị tổn thương; nghiêm cấm xâm lấn rừng tự nhiên. Nguồn giống sử dụng phải có xuất xứ, rõ ràng và chịu sự kiểm tra, giám sát, nghiệm thu của cơ quan chức năng.
Theo ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, trong đó tập trung vào việc sản xuất và quản lý nguồn giống đảm bảo chất lượng, phù hợp với phát triển cánh rừng gỗ lớn đạt chuẩn FSC; người dân góp đất, hoặc doanh nghiệp thuê lại đất của dân để trồng rừng. Ngoài ra, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn để trồng rừng FSC.
TRẦN HỮU