Khuyến nghề - tại sao không?

BẢO ANH 11/04/2016 08:26

Theo kết quả điều tra lao động - việc làm của tỉnh, trong số hơn 742 nghìn người trong độ tuổi lao động toàn tỉnh, hiện còn tới hơn 11 nghìn người chưa có việc làm hoặc có việc làm chưa ổn định. Trong số lao động thất nghiệp này, số người có trình độ đại học trở lên chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thực trạng này buộc chúng ta phải suy nghĩ về định hướng, chiến lược cũng như hiệu quả đầu tư đào tạo và sử dụng chất xám. Bởi trên thực tế, xã hội, và trực tiếp là người dân, đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức vào việc đào tạo đại học cho con em mình, trong khi cơ hội tìm được việc làm của những lao động có trình độ đại học trở lên ngày càng ít đi do nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp đang chuyển mạnh theo hướng cần thợ lành nghề hơn là cần thầy. Ông Thùy nêu ý tưởng: “Nên chăng chúng ta cần tập trung nhiều hơn nữa trong việc vận động người dân thay đổi quan niệm theo hướng cho con em mình học nghề thay vì là phải vào đại học bằng mọi giá. Trong đó, một trong những điểm bắt đầu cho chiến lược truyền thông thay đổi quan niệm này là việc thay đổi cách thức thực hiện phong trào khuyến học như chúng ta đang làm hiện nay”.

Trên thực tế, hoạt động khuyến học những năm gần đây phát triển rất mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng, tham gia của nhiều thành phần xã hội. Qua đó, giúp cho hàng nghìn học sinh nghèo có thêm điều kiện tiếp tục tới trường. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, có lúc có nơi hoạt động khuyến học được thực hiện hơi “quá đà” và chỉ là khuyến khích sự học thuần túy. Cụ thể, nhiều tổ chức, tộc họ, khu dân cư... thực hiện việc khuyến học bằng cách khen thưởng khá hậu hĩnh cho những học sinh đỗ đại học; nhưng không thấy khen thưởng cho những người đỗ vào hoặc tốt nghiệp hạng ưu các trường nghề. Thậm chí, trong việc bình xét một số danh hiệu, những gia đình có con vào học các trường nghề thường bị “bỏ qua”, còn các gia đình có con đỗ đại học thường được “cộng thêm điểm”. Nói cách khác, chỉ thấy “khuyến học” mà không thấy “khuyến nghề”, khiến một bộ phận người dân và cả người đi học hiểu không đúng về cái đích cuối cùng của sự học.

Quảng Nam là vùng đất có truyền thống khoa cử lẫy lừng, được mệnh danh là “đất học”, rất đáng tự hào. Tuy nhiên, việc ai ai cũng theo đuổi sự học theo hướng quyết trở thành “ông nọ bà kia” trong bối cảnh xã hội cần thợ nhiều hơn thầy thì rõ ràng là không còn phù hợp nữa. Đã đến lúc phải chuyển mạnh, chuyển triệt để sự học theo hướng học cho có kiến thức cần và đủ để làm người, để được đào tạo trở thành những người thợ lành nghề hơn là miệt mài theo đuổi sự học theo hướng “khoa cử” thuần túy.

BẢO ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khuyến nghề - tại sao không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO