(QNO) - Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát các hợp chất hóa học nhân tạo per và polyfluoroalkyl (PFAS) tại Việt Nam trong 5 năm (2014 - 2018), các nghiên cứu khoa học về PFAS ở Việt Nam và qua khảo sát các chính sách liên quan cho thấy việc quản lý PFAS ở Việt Nam đáng quan ngại.
Ô nhiễm PFAS
Tham gia “Chiến dịch SDGs Toxics-Free” của IPEN, PanNature đã thực hiện một khảo sát thông tin về các hợp chất PFAS trên báo chí, trong các nghiên cứu khoa học và văn bản chính sách pháp luật được công bố công khai ở Việt Nam trong giai đoạn 5 năm từ 2014 - 2018.
PFAS là một nhóm lớn gồm hơn 4.500 hóa chất flo hóa liên tục, là chất kỵ nước và không hòa tan trong lipit hoặc các dung môi không phân cực trong tự nhiên, cực kỳ bền bỉ. PFAS phân bố rộng rãi ở khắp mọi nơi do độ hòa tan trong nước cao, hấp thụ thấp/trung bình đối với đất, trầm tích và khả năng chống lại sự suy thoái sinh học và hóa học. Nhờ các đặc tính này, PFAS được sử dụng rộng rãi như chất hoạt động bề mặt với tác dụng bảo vệ bề mặt các sản phẩm.
Theo PanNature, PFAS là hợp chất hóa học có trong vô số các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như nồi, chảo chống dính; túi, bao bì đựng thực phẩm; thịt chế biến sẵn; quần áo; bọt chữa cháy... và đặc biệt là trong các hoạt động sản xuất công nghiệp. PFAS cũng là hợp chất hóa học được chứng minh là có liên quan đến nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, vô sinh.
Kết quả khảo sát cho thấy, các hợp chất PFAS tại Việt Nam phần lớn không được kiểm soát; máu người, sữa mẹ của nhiều phụ nữ Việt Nam có chứa PFAS; nhiều khu vực nước mặt của Việt Nam và hải sản ở vùng biển Việt Nam bị nhiễm PFAS. Việc quản lý PFAS ở Việt Nam đang rất đáng quan ngại và rất cần tăng cường các hành động pháp lý.
Việc sản xuất và sử dụng PFAS trong vô số sản phẩm tiêu dùng hàng ngày đã gây ra tình trạng ô nhiễm PFAS trên diện rộng. Ô nhiễm PFAS đã nhận được sự chú ý của công chúng và truyền thông ở nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Úc; tuy nhiên, thông tin về hợp chất này ở nhiều nơi khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam, còn rất thiếu và khó tiếp cận.
Việc kiểm soát và loại bỏ PFAS là một hành động góp phần đạt một số mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do tác động tiêu cực của hợp chất này đối với sức khỏe và hệ sinh thái, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường nước.
Khuyến nghị quốc gia
Từ những nghiên cứu, PanNature đưa ra khuyến nghị quốc gia, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu sâu hơn về các hợp chất PFAS và mức độ ô nhiễm các chất này trong môi trường và cơ thể con người.
Bộ Tài nguyên - môi trường và Bộ Công Thương cần phối hợp thực hiện giám sát PFAS để xác định các điểm nóng ô nhiễm PFAS gần khu vực dân cư và công nghiệp. Ngoài ra, việc hợp tác giữa hai bộ cũng nên tập trung vào giám sát thường xuyên PFAA trong nước ngầm để xác định các điểm nóng, tìm các nguồn phát thải tiềm năng để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm lan rộng.
Việc đo lường, kiểm kê các hợp chất PFAS (bao gồm cả PFOA và PFOS) cần được thực hiện trong cả các sản phẩm và quy trình nghi ngờ để phát triển một khung pháp lý, thể chế để quản lý các dạng thức tồn tại khác nhau của các hóa chất này.
Để ngăn ngừa ô nhiễm PFAS và khắc phục hậu quả tốn kém sau đó, cần nhanh chóng kiểm kê kho dự trữ bọt chữa cháy và thay thế lượng bọt có chứa PFAS bằng bọt không chứa fluoride càng sớm càng tốt.
Các quy định và hướng dẫn của Luật Hóa chất cần tính đến các phát hiện và khuyến nghị khoa học cập nhật về PFAS.
Khuyến nghị cho Công ước Stockholm COP9
Việt Nam trở thành thành viên Công ước Stockholm vào năm 2004 và công ước này đã bổ sung perfluorooctane sulfonate (PFOS) vào danh sách các chất hóa học hạn chế trên toàn cầu vào năm 2009. Sự điều chỉnh này đã có hiệu lực pháp lý tại Việt Nam vào năm 2010. Tuy nhiên, các hợp chất PFAS khác gần như không được kiểm soát.
PanNature khuyến nghị cho Công ước Stockholm COP9, PFOA nên được liệt kê trong phụ lục A của công ước - không có miễn trừ cụ thể. Nếu được miễn trừ, chúng phải dành cho các sản phẩm cụ thể và các sản phẩm này phải ghi nhãn sản phẩm có chứa PFOA để các bên có thể đáp ứng các yêu cầu theo Điều 6 của công ước như đã từng thực hiện với hợp chất HBCD (SC-6/13).
Do tính chất tốn kém, gây ô nhiễm cao của bọt chữa cháy và sự sẵn có của các hợp chất thay thế không chứa fluoride hiệu quả về mặt kỹ thuật, nên không được miễn trừ cụ thể cho sản xuất PFOS hoặc PFOA hoặc sử dụng trong bọt chữa cháy.
Miễn trừ cụ thể hoặc các mục đích có thể chấp nhận cho 11 mục đích sử dụng PFOS sau đây: in ảnh bằng tĩnh điện, chất cản quang và chống phản xạ cho chất bán dẫn; tác nhân ăn mòn cho các hợp chất bán dẫn và bộ lọc gốm; chất lỏng thủy lực hàng không; một số thiết bị y tế; mặt nạ hình ảnh trong ngành công nghiệp bán dẫn và LCD; mạ kim loại cứng; mạ kim loại trang trí; linh kiện điện và điện tử cho một số máy in màu và máy sao chép màu; thuốc trừ sâu để kiểm soát kiến lửa và mối mọt đỏ; và sản xuất dầu định hướng hóa học...