|
(Tiếp theo kỳ 2)
Đề xuất những giải pháp
Để việc hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang lại thành công lớn, thiết nghĩ tỉnh cần có những giải pháp mang tính căn cơ. Theo đó, nhất thiết phải có cơ chế khuyến khích mối liên kết “4 nhà” gồm nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp – nhà nông một cách thiết thực và chặt chẽ hơn nữa, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên, nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp và nông dân trong thực hiện hợp đồng liên kết. Đồng thời bố trí nguồn ngân sách hằng năm để thực hiện các mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cạnh đó, chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và ứng dụng rộng rãi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất cây trồng, con vật nuôi, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Cần thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho các loại nông sản.Ảnh: VĂN SỰ |
Không chỉ vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua, chế biến các loại nông sản theo hướng bao tiêu đầu ra sản phẩm bằng cách vận dụng, khai thác tốt những chính sách hiện có như Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg (ngày 25.10.2013) của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP (ngày 19.12.2013) của Chính phủ, Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND (ngày 23.5.2016) của UBND tỉnh về các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất trong nông nghiệp - nông thôn... Đồng thời phối hợp với những ngành liên quan phát triển các loại hình du lịch mới nhằm tạo điều kiện cho người dân ở các làng nghề tham gia phát triển kinh tế. Đặc biệt, hệ thống khuyến nông nhà nước từ Trung ương đến cơ sở cần phát huy hiệu quả vai trò là cầu nối mời gọi và giúp đỡ doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm hạn chế tình trạng được mùa mất giá.
Thiết nghĩ tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp và đồng bộ đối với các khâu từ tổ chức sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển đến tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng tiêu chí hỗ trợ một cách cụ thể, đơn giản, công khai nhằm khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh. Về phía các doanh nghiệp, phải có trách nhiệm và thường xuyên quan tâm đến quyền lợi, lợi ích của người sản xuất. Cạnh đó, xây dựng bài bản chiến lược từ sản xuất đến kinh doanh, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, nhà nước và nhà khoa học cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò định hướng, tư vấn kỹ thuật, nhất là hỗ trợ nhà nông xây dựng thương hiệu cho nông sản.
ĐÀI LÊ