Kịch bản kinh tế năm 2014: Sẵn sàng cho thách thức

TRỊNH DŨNG 31/12/2013 10:19

Gia tăng huy động vốn đầu tư, phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt đầu tư công… bảo đảm tăng trưởng 11,5% trên tinh thần tự lực chính là “mệnh lệnh hành động” và cam kết của chính quyền Quảng Nam  cho năm 2014.

Duy trì tăng trưởng 11,5%

Kết thúc năm 2013, GRDP đạt 11,18%/11,5% theo kế hoạch. Dù một số chỉ số kinh tế chưa vượt mức dự kiến nhưng bức tranh đầu tư Quảng Nam vẫn được đánh giá thuận chiều nếu nhìn vào sự chuyển động của các dự án trong bối cảnh “ảm đạm” của nền kinh tế. Số lượng hàng nhập khẩu đã tăng trở lại trên 13% và số doanh nghiệp đăng ký mới trên 606 so với số mất đi khoảng 210, để hiện có 4.400 doanh nghiệp đang hoạt động, đã chứng minh dấu hiệu hồi phục và khả năng phát triển của việc sản xuất kinh doanh.

Tập trung thúc đẩy sản xuất, gia tăng xuất khẩu... sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng Quảng Nam.                                                       Ảnh: T.DŨNG
Tập trung thúc đẩy sản xuất, gia tăng xuất khẩu... sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng Quảng Nam. Ảnh: T.DŨNG

Theo dự báo của các cơ quan quản lý, ngoài sự ổn định sản xuất của một số ngành, doanh nghiệp như Focosev, Yến sào, du lịch… thì dù thiếu ổn định, phụ thuộc vào thời tiết, nhưng dự kiến năm 2014, sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện sẽ khoảng 1.495kWh. Vàng Phước Sơn dù gặp khó khăn cũng sẽ sản xuất khoảng 1.000kg vàng. Đặc biệt, các đơn vị sản xuất lắp ráp ô tô của Tập đoàn Trường Hải sẽ hồi phục nhanh chóng. Năm 2014, sẽ khoảng 8.120 xe ô tô du lịch, 2.200 xe ô tô Mazda và nhiều ô tô Peugeot sẽ được tiêu thụ; nhà máy xi măng Thạnh Mỹ đi vào hoạt động. Ngoài ra, một số chính sách kích cầu, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ sẽ tác động tích cực đến thị trường nhà đất… Tất cả đều này sẽ góp phần dẫn dắt sự tăng trưởng của Quảng Nam. Ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tất cả mục tiêu tăng trưởng của Quảng Nam đặt ra cho từng năm hoặc dài hạn đều hợp lý. Môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện, góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, hạ tầng dần hoàn thiện để thúc đẩy những dự án trọng điểm… Nhưng nếu doanh nghiệp không phát triển, tình trạng giải ngân vốn đăng ký, cải cách quản lý đầu tư, huy động vốn đầu tư không thay đổi… thì kết quả tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách bền vững vẫn sẽ khó khăn. “Chấm dứt tình trạng công trình đủ vốn nhưng chậm hoặc không triển khai do thiếu mặt bằng thi công. Những nhà thầu kém năng lực sẽ không được triển khai thực hiện các công trình. Giải quyết tốt điều này sẽ giúp tiến trình tăng trưởng nhanh, mạnh và bền vững hơn cho năm 2014 và tương lai” - ông Tri nói.

Chính quyền cam kết

Con số 3.662 tỷ đồng được phân bổ cho đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước quá nhỏ so với nhu cầu thực tế, nên Quảng Nam buộc phải xem xét lại các quyết định đầu tư. Theo Chủ tịch UBND Lê Phước Thanh, năm 2014 sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy, cần nhanh chóng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh; thúc đẩy dự án đầu tư và nâng cao năng lực tiếp cận dự án đầu tư cho cán bộ địa phương, tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, góp phần giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp để nhanh chóng hồi phục nền kinh tế. Theo các nhà hoạch định chính sách, vấn đề đặt lên hàng đầu là phải chủ động tạo nguồn, xem xét lại cơ cấu đầu tư từ vốn ngân sách để bảo đảm nguồn đầu tư vào những dự án hiệu quả, cấp thiết. Các địa phương phải chủ động tự chủ tài chính trong gói ngân sách đã được duyệt. Không trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ trung ương. Quan điểm của chính quyền là tạo cơ sở hạ tầng làm nền móng để tự địa phương hay người dân tự giảm nghèo. Chính quyền sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp các thứ tự ưu tiên các dự án, công trình để cân đối nguồn vốn, cắt giảm quy mô đầu tư để không phát sinh nợ. “Chính quyền sẵn sàng loại bỏ hay tạm thời dừng lại tất cả dự án nào xét thấy dàn trải, kéo dài. Tất cả đều phải tự cân đối nên toàn bộ công trình đầu tư xây dựng cơ bản phải tự lực ngay trong gói ngân sách đã được giao và tìm kiếm từ các nguồn thu khác bằng nỗ lực của địa phương. Tập trung thanh toán, thu hồi nợ, không để doanh nghiệp trục lợi” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.

Chỉ số tăng trưởng năm 2014 được xác định là 11,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 22%, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 31,5% GRDP, thu nội địa tăng 11,6%, tạo việc làm mới cho 41.000 lao động, nâng tỷ lệ phi nông nghiệp lên 48% và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 13%...

Nhìn thẳng vào sự sụt giảm kinh tế để đưa ra những nỗ lực cải cách cụ thể, nhất là khả năng chủ động tạo nguồn, hướng về chất lượng đầu tư để lựa chọn những dự án hiệu quả, cấp thiết, sẵn sàng loại bỏ hay tạm thời dừng tất cả dự án dàn trải, kéo dài, dù yêu cầu phát triển hạ tầng là điều hết sức cần thiết… được xem như một bản cam kết đầy trách nhiệm của chính quyền Quảng Nam trước tiến trình phát triển ổn định và bền vững. Sự tuyên bố tập trung bằng mọi giá để có hạ tầng tốt, tháo gỡ vướng mắc, cơ chế, chính sách, nhanh chóng tiến hành, không thể trì hoãn cuộc cải cách từ trong nội tại các cơ quan quản lý để cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, đủ sức cạnh tranh hoặc sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư là sự thay đổi lớn. Điều này khẳng định năng lực điều hành của địa phương phải được đo lường trên cơ sở kết quả cuối cùng: sự thịnh vượng. Đó là sự thể hiện qua chất lượng dự án đầu tư, đời sống người dân sẽ được cải thiện như thế nào, thu nhập ra sao và môi trường sống được bảo đảm tới đâu mới là điều quan trọng… Nếu như năng lực điều hành và các giải pháp kích thích đưa ra thực sự phát huy hiệu quả thì GRDP tăng 11,5%  cho năm 2014 không phải là quá khó.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kịch bản kinh tế năm 2014: Sẵn sàng cho thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO