Kích cầu chính sách nông nghiệp

TRẦN HỮU 24/03/2020 12:30

Trung ương và Quảng Nam đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng rào cản là cơ chế khó đi vào thực tế, doanh nghiệp (DN) vẫn “tự bơi”.

Vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại xã Phước Chánh (Phước Sơn) của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam.Ảnh: T.H
Vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại xã Phước Chánh (Phước Sơn) của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam.Ảnh: T.H

Năm 2013, Nghị định số 210 của Chính phủ ra đời được xem như bước đột phá thúc đẩy, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Năm 2018, Chính phủ lại tiếp tục ban hành Nghị định số 57 thay thế Nghị định số 210, với phạm vi đối tượng ưu đãi rộng hơn, chính sách thông thoáng hơn. Tại Quảng Nam, vốn đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp đã đến tay người hưởng lợi, song còn nhiều vướng mắc trong thực hiện.

Động lực cho miền núi

Ngày 6.12.2018, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 45 về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Để chính sách đi vào thực tiễn, Quảng Nam cụ thể hóa các danh mục, đối tượng hỗ trợ. Quan điểm nhất quán của UBND tỉnh là phải chú trọng chất lượng, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, đồng thời sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở miền núi, các chính sách ưu đãi của tỉnh đã thu hút đầu tư vào các mô hình dược liệu đạt chuẩn hữu cơ như sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm, sa nhân, đinh lăng…

Theo Sở NN&PTNT, năm 2019, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, tổng kinh phí hỗ trợ cho 12 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn 90 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 80,6 tỷ đồng. Nhà máy chế biến gỗ MDF của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (trụ sở nhà máy đóng tại xã Quế Thọ, Hiệp Đức) đã được hỗ trợ 49 tỷ đồng từ nguồn Trung ương. Ngoài đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến gỗ công nghiệp hiện đại, DN này còn thuê đất từ các tổ chức, cá nhân trồng rừng gỗ lớn; xây dựng vườn ươm cây giống lâm nghiệp, dược liệu ở các huyện Đại Lộc, Phước Sơn…

Năm 2020, cơ sở chế biến bảo quản các sản phẩm giống nông nghiệp của Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình tại Cụm công nghiệp Chợ Lò (xã Tam Thái, Phú Ninh) dự kiến được hỗ trợ kinh phí đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng theo Nghị định 57 của Chính phủ. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền tỉnh vẫn ưu tiên gói hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn. Mới đây, ngày 3.3.2020, UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư danh mục dự án khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, có 13 DN đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, sản xuất chăn nuôi gia súc, rau quả nấm, chế biến nông lâm thủy sản, giống nông nghiệp công nghệ cao và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn.

Theo Sở NN&PTNT, tất cả DN dự kiến được hỗ trợ năm 2020 với kinh phí gần 97 tỷ đồng theo Nghị định 57 của Chính phủ và Quyết định số 331, ngày 30.1.2019 của Chủ tịch UBND tỉnh. Nguồn vốn chỉ được Nhà nước hỗ trợ theo định mức sau khi DN đầu tư, nên dòng tiền sử dụng đúng mục đích, đối tượng, nhờ đó hiệu quả đầu tư sẽ rõ rệt hơn.

Theo tính toán, Nghị định 57 thay thế Nghị định 210 trước đó đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm được 3 thủ tục về xây dựng (cấp phép xây dựng, quy hoạch và thẩm định thiết kế cơ sở), giảm 1 thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư; 1 thủ tục về thẩm tra công nghệ. Các thủ tục còn lại được lồng ghép, vừa thi công vừa hoàn thiện.

Đừng để DN “tự bơi”

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, vướng mắc về đất đai cản trở thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Đất đai liên quan đến nhiều vấn đề như phong tục tập quán đồng bào thiểu số, lại nằm trong diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng. Phải xác định các khu vực người dân có quyền sử dụng nhằm làm rõ để bàn giao cho người dân hoặc DN quản lý. Muốn xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư vào trồng và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh nói riêng, nông nghiệp nói chung phải kiểm tra, xác định lại nguồn gốc đất, có cơ chế hỗ trợ cụ thể để thu hút các nhà đầu tư.

Về cơ chế đất đai, tinh thần của Nghị định 57 là hỗ trợ DN có dự án nông nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sửu dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất phù hợp với Luật Đất đai 2013. Nhiều DN cho rằng, Nhà nước hỗ trợ vốn là động lực kích cầu sản xuất, nhưng cái DN cần là các cấp chính quyền tháo gỡ những bất cập về chính sách đất đai, bởi hiện nay hầu hết DN không có đủ quỹ đất sạch; khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Trung ương đã trao quyền cho các địa phương ban hành chính sách tín dụng cụ thể để hỗ trợ DN; căn cứ khả năng ngân sách địa phương để hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay thương mại. Tuy vậy, nguồn lực hỗ trợ ngân sách của tỉnh còn hạn chế và DN khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại.

Không ít nhà đầu tư tâm đắc với dự án nông nghiệp đành ngậm ngùi ra đi bởi không thỏa thuận được với người dân trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức – Nguyễn Như Công phân trần, 3 - 4 DN đến khảo sát để đầu tư với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nhưng lại lặng lẽ ra đi vì gặp rắc rối trong khâu tìm đất.

Dự án chăn nuôi ở xã Tam Thành (Phú Ninh) cũng là một ví dụ. Ngày 13.3.2020, Sở KH-ĐT có văn bản gửi UBND tỉnh xem xét về việc hoàn trả tiền ký quỹ thực hiện dự án cho DN. Trước đó, năm 2018, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại chăn nuôi heo giống cho Công ty CP Inteqc Vina. Sau đó, công ty này ký quỹ thực hiện dự án hơn 1,2 tỷ đồng. Trong số 44 hộ bị ảnh hưởng thu hồi đất, công ty không thỏa thuận bồi thường được với 7 hộ dân còn lại, bất đắc dĩ Sở KH-ĐT phải ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án.

Cơ chế hỗ trợ cho nông nghiệp, rõ nhất là khuyến khích các DN trồng và chế biến sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, hầu hết DN trồng sâm tại huyện Nam Trà My không dễ tiếp cận hiện trạng đất rừng để trồng sâm. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không đồng ý với chủ trương cho DN vào thuê môi trường rừng để trồng sâm, trong khi đó DN muốn thuê phải thỏa thuận với dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kích cầu chính sách nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO