Hội An phải tìm cơ hội riêng trong làn sóng kích cầu chung để du lịch địa phương tiếp tục cầm cự. Những người làm du lịch nhiều tâm huyết đã ngồi lại cùng nhau tại tọa đàm “Kích cầu du lịch - nhìn từ thực tiễn Hội An” diễn ra cuối tuần qua. Chương trình do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với Tạp chí The Leader tổ chức với mong muốn tạo ra sự tương tác, kết nối hữu hiệu hơn.
Cơ hội từ đâu?
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - Phan Xuân Thanh nói: “Từ trước đến nay chúng tôi không hề phân biệt khách quốc tế hay khách trong nước, mà luôn tâm niệm chào đón tất cả du khách tử tế đến với Hội An cũng như Quảng Nam dù là cao cấp hay bình dân. Các đơn vị sẵn sàng bán dòng sản phẩm dành cho khách châu Âu cho khách nội địa với giá cả, dịch vụ lợi nhất có thể cho du khách”.
Với cơ cấu thị trường khách quốc tế chiếm tỷ lệ vượt trội, lâu nay Hội An thường được xem là không mặn mà lắm với khách nội địa, đây là một điểm yếu và buộc những người làm du lịch địa phương phải thay đổi rất nhiều để thu hút dòng khách trong nước dịp này.
Chị Lê Thị Bé Phượng - quản lý nhân sự Almanity Hội An chia sẻ: “Tác động của đại dịch khiến chúng tôi buộc phải thay đổi, nhận diện lại mình để thích nghi. Chúng tôi tăng cường tương tác trực tiếp với khách, đẩy mạnh social media (truyền thông mạng xã hội), blogger (viết nhật ký mạng) để thu hút khách và thực tế là từ ngày 10.5 đến nay đã bắt đầu có được một lượng khách tương đối ổn định vào dịp cuối tuần”.
Một điểm yếu tồn tại lâu nay khiến Hội An chật vật trong việc thu hút khách nội địa ở thời điểm này chính là lữ hành địa phương rất yếu, trong khi không ít đối tác lữ hành ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng chỉ chuyên về khách inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) càng làm cho các đơn vị lưu trú - dịch vụ ở Hội An lúng túng hơn.
Chia sẻ góc nhìn từ người làm lữ hành, ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng: “Xu hướng tham quan hiện nay của khách vẫn chuộng các điểm đến gần nơi mình sinh sống nên trong ngắn hạn Hội An cần tìm cơ hội thiết thực từ dòng khách ở các địa phương lân cận như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai - Kon Tum… Thời điểm bùng nổ khách nội địa có thể sẽ chỉ rơi vào giữa tháng 7 đến cuối tháng 8 nên chúng ta cần chắt chiu cơ hội”.
Thông tin tại sự kiện, bà Phạm Thị Hồng Trang - đại diện Tập đoàn Thiên Minh tại miền Trung cho biết: “Qua khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) phối hợp với báo điện tử Vnexpress, có tới 77% những người được hỏi ưu tiên du lịch nghỉ dưỡng, thư giãn từ nay đến cuối năm và cũng có tới 67% ưa thích các điểm đến có biển đảo. Hội An rõ ràng có những lợi thế để thu hút dòng khách này tuy nhiên không phải chỉ chú trọng vào kích cầu giảm giá mà phải ngồi lại để xây dựng sản phẩm độc đáo hơn đáp ứng nhu cầu của khách nội địa”.
Nhìn lại giá trị của mình
Theo ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chúng ta đang hô hào kích cầu và đón khách, tuy nhiên cần phải xem lại “Điểm đến của chúng ta đã “tinh tươm” chưa?” và “Khách đến có gì để chơi không?”, nếu không thì việc kích cầu sẽ phản tác dụng.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An gợi mở: “Cuối tuần vừa rồi, Cù Lao Chàm đón khoảng 1.900 khách, một con số rất khả quan, tuy nhiên khi khách vào bờ thì không giữ chân họ lưu trú được vì Hội An hiện không có sản phẩm gì để khách ở lại”.
Cũng theo ông Nguyễn Sự, việc xây dựng sản phẩm kích cầu khách nội địa không cần phải to tát, chỉ cần buổi chiều có khu trải nghiệm thả diều, buổi tối ở góc phố cổ có bầy trẻ con hát đồng dao là đã khiến du khách thích thú rồi.
Ông Võ Phùng đề nghị: “Các nhà quản lý điểm đến, doanh nghiệp khai thác sản phẩm từ phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, hồ Phú Ninh, Vinpearl Land Nam Hội An, công viên ấn tượng Hội An… cần phải hợp tác tung ra các gói sản phẩm ưu đãi thì du lịch địa phương mới có sức bật trở lại”.
Bà Vũ Thị Phương - Tổng Giám đốc Gami Hospitality, đơn vị vận hành công viên Ấn tượng Hội An ủng hộ đề xuất trên và Gami Hospitality sẵn sàng hợp tác với các nhà hàng, khách sạn cũng như các điểm đến khác tại Hội An để tạo ra những chuỗi sản phẩm ưu đãi, từ đó cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.