Nhờ kích cầu tiêu dùng nên việc buôn bán, lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh khởi sắc trở lại, vượt qua thời điểm ì ạch khi dịch Covid-19 bùng phát. Ngành chức năng đang áp dụng các giải pháp để tạo đòn bẩy phát triển trong thời gian đến.
Sôi động bán hàng
Gần 8 giờ sáng, rất nhiều người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn chi nhánh Quảng Nam (đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ). Ngoài các mặt hàng thiết yếu, hàng điện lạnh, máy giặt, ti vi, điện thoại, các loại bếp nấu ăn... được đông đảo người dân chọn mua.
Anh Lê Duy Khoa - quản lý Siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn chi nhánh Quảng Nam cho biết, lượng hàng hóa được bán ra trong tháng này gấp 2 - 3 lần so với tháng trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh được đẩy lùi, người dân được dịp mua sắm bù lại thời điểm cách ly xã hội.
“Chúng tôi giảm giá áp trần, nhiều sản phẩm, hàng hóa được giảm 50% giá để kích cầu tiêu dùng, bên cạnh đó thu nhận hàng hóa cũ để giúp khách hàng đổi lấy hàng hóa mới có bù thêm tiền. Ngoài các chương trình khuyến mãi chung, siêu thị còn giảm giá thêm 21% khi khách hàng mua tiếp sản phẩm thứ 2. Chúng tôi trả tiền điện, nước thay khách hàng trong vòng 60 tháng khi họ mua các sản phẩm dùng điện, nước như tủ lạnh, máy lạnh. Riêng máy lọc nước, khách hàng được tặng 3 triệu khi mua hàng” - anh Khoa nói.
Lúc giãn cách xã hội, việc mua sắm của người dân giảm mạnh. Hầu hết, người tiêu dùng chỉ ưu tiên mua sắm những mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày, còn những mặt hàng như quần áo, giày dép, trang thiết bị gia đình... thì gần như bị “đóng băng”. Sức mua giảm mạnh đã kéo ngành bán lẻ trên địa bàn tỉnh sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Rất may là dịch Covid-19 được khống chế đã giúp thương mại vượt qua tình trạng trên.
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, mua sắm sôi động trở lại nhờ vào khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng của siêu thị. Cụ thể, Co.opMart Tam Kỳ phối hợp với hàng loạt nhãn hàng cùng giảm giá để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, đẩy mạnh sức mua hàng hóa. Với chủ đề “Tháng tiêu dùng xanh”, siêu thị kết hợp giữa khuyến mãi giảm giá các mặt hàng thiết yếu vừa hướng người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, kích cầu những sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, còn có chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” với hàng loạt ưu đãi dành cho khách hàng khi mua các loại trái cây, gạo, rau... Khách hàng sau khi mua sắm còn được giao hàng miễn phí đến tận nhà.
Tạo đà phát triển
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết, nhiều hoạt động kết nối cung cầu, nhất là hàng nông sản đã góp phần đánh thức thị trường đã trầm lắng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đó cũng sẽ là cú hích để tiếp tục khơi thông thị trường trong thời gian đến.
Ông Phúc nói: “Sắp tới đây, chúng tôi tham gia hội nghị khuyến khích sản xuất và mở rộng thị trường cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng cũng sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với ngành công thương của tỉnh tổ chức trong thời gian đến. Kỳ vọng sẽ tạo diện mạo mới hơn cho lưu thông hàng hóa, buôn bán tại thị trường Quảng Nam”.
Ông Phúc cũng cho rằng, chính quyền 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cần tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nhằm đánh thức nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đối với các sản vật, hàng hóa nổi bật của từng địa phương. Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại thì việc tổ chức tốt hoạt động bán hàng lưu động, phiên chợ, hội chợ cũng sẽ đem lại hiệu quả lớn trong kích cầu mua sắm, đưa thị trường nội địa trở thành đòn bẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện kênh siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ nhỏ trong phân phối hàng hóa. Thị trường nông thôn tiềm năng nhưng còn trống vắng. Kênh truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng bán lẻ tuy chiếm hơn 90% thị phần buôn bán nội địa song doanh số suy giảm. Nguyên nhân là hạ tầng của thương mại truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều chợ khá lớn trên địa bàn tỉnh xập xệ, người tiêu dùng không an tâm khi mua sắm.
Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sẽ tham mưu UBND tỉnh tạo cú hích phát triển hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn trong thời gian đến với các cơ chế, khuyến khích hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
“Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2020 đang được Bộ Công Thương khẩn trương triển khai trước ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Quảng Nam sẽ nhanh chóng thực hiện với hàng loạt giải pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển thương mại. Theo đó, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Doanh nghiệp có thể tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại đa dạng với hạn mức lớn về giá trị của hàng hóa, dịch vụ” - ông Thiều Việt Dũng nói.