Kích hoạt giải pháp ứng phó với nắng hạn

VĂN SỰ - PHAN VINH – VĨNH LỘC – HOÀNG LIÊN - QUANG VIỆT 28/04/2024 06:24

Mùa khô chỉ mới bắt đầu nhưng nắng nóng nhiều thời điểm đã chạm ngưỡng 41 độ C. Nỗi lo thiếu nước sản xuất, sinh hoạt hiện hữu trước; bởi vậy chính quyền, doanh nghiệp và người dân đang nỗ lực triển khai các phương án ứng phó, bởi dự báo mùa khô hạn còn kéo dài.

Các chủ hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước để đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2024. Ảnh: Q.VIỆT
Các chủ hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước để đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2024. Ảnh: Q.VIỆT
xoay-xo-voi-nguon-nuoc-tuoi-1-.png

Dự báo vụ hè thu 2024 tới đây, Quảng Nam sẽ có ít nhất 15 nghìn héc ta lúa đứng trước nguy cơ bị khô hạn nặng do nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn gây ra. Đồng loạt các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phải gia cố, nỗ lực để đủ sức cung cấp nước tưới cho lúa và hoa màu...

kh1.jpg
Hiện nay, mực nước của hầu hết hồ chứa vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý đều thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Ảnh: S.V

Nguy cơ khô hạn diện rộng

Ông Đỗ Văn Tùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam thông tin, hiện nay đơn vị được giao quản lý và khai thác 17 hồ chứa nước và vận hành 29 trạm bơm điện có công suất lớn cùng 31 đập dâng các loại. Với số công trình thủy lợi nêu trên, trong vụ sản xuất hè thu 2024 sắp tới (gần cuối tháng 5 dương lịch bắt đầu triển khai xuống giống), đơn vị sẽ đảm nhận phục vụ nước tưới cho 25.000ha cây trồng, chủ yếu là lúa.

do-van-tung.png

Theo ông Tùng, hồ chứa Đông Tiển ở xã Bình Trị của huyện Thăng Bình mỗi vụ đảm nhận cung cấp nước tưới cho hơn 444ha lúa. Thế nhưng, qua cân đối nguồn nước hiện nay thì rất nhiều khả năng trong vụ sản xuất hè thu 2024 sắp tới sẽ có ít nhất 60ha lúa bị khô hạn vì không đủ lượng nước cung ứng.

kh2.jpg
Các đơn vị liên quan đang gấp rút triển khai những biện pháp chống hạn cho vụ sản xuất hè thu 2024. Ảnh: S.V

Tại Thăng Bình, hồ chứa Phước Hà ở xã Bình Phú cũng nằm trong diện báo động. “Nếu thời gian tới, nắng nóng cứ kéo dài trên diện rộng và ít có mưa bổ sung thì nguy cơ cao 20ha lúa hè thu ở khu vực cuối kênh của hồ chứa Phước Hà sẽ bị thiếu nước tưới trầm trọng” – ông Tùng nhìn nhận.

Ngoài số hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý thì Quảng Nam còn có 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương trực tiếp quản lý, khai thác. Trong số hồ chứa nhỏ vừa nêu, hiện còn 13 hồ chưa được đầu tư nâng cấp, gia cố, sửa chữa.

Vụ hè thu 2024 sắp tới, Quảng Nam dự kiến triển khai gieo sạ khoảng 42 nghìn hecta lúa. Thời gian đến, nếu nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng và nước mặn xâm nhập sâu vào hệ thống các sông thì rất nhiều khả năng toàn tỉnh sẽ có khoảng 15 nghìn héc ta lúa bị thiếu nước tưới, cần phải áp dụng các biện pháp chống hạn.

[VIDEO] - Ông Đỗ Văn Tùng nói về việc vận hành, gia cố các công trình thủy lợi mà công ty đang quản lý:

VIDEO: PHAN VINH

Ứng phó thế nào?

Hiện tại, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã thiết lập phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn vụ hè thu 2024 với hàng loạt biện pháp công trình và phi công trình.

Đối với các khu vực có nguy cơ bị khô hạn nặng, công ty sẽ lấy nguồn nước từ các trạm bơm điện đưa lên cung ứng; đồng thời lắp đặt thêm một trạm bơm dã chiến chống hạn. Cạnh đó, công ty này cũng đã kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét cho phép tận dụng nguồn cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò để đưa lên đắp đập bổi ngăn mặn Gò Nổi tại khu vực Cầu Đen.

kh4.jpg
Chính quyền thị xã Điện Bàn đã xây dựng xong tuyến đập bổi ngăn mặn – giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện tại khu vực Tứ Câu (phường Điện Ngọc).

[VIDEO] - Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói về việc đảm bảo nước sạch cho người dân trong mùa khô hạn:

Ngành nông nghiệp cho biết, thời gian qua chính quyền thị xã Điện Bàn đã xây dựng xong tuyến đập bổi ngăn mặn – giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện tại khu vực Tứ Câu (phường Điện Ngọc). Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất là nếu nước mặn xâm nhập vào sông Thu Bồn, đi qua Vòm Cẩm Đồng ở xã Điện Phong thì nguy cơ hàng chục trạm bơm điện sẽ vận hành khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nước tưới cho khoảng 3.000ha lúa của Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn.

truong-xuan-ty.png
noi-lo-thieu-nuoc-sach.png

Khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đảm bảo thực hiện chương trình nước sạch nông thôn hiệu quả chính là yêu cầu quan trọng hiện nay.

Khó khăn trong việc cấp nước

Nhiều hộ dân thôn Phiếm Ái 2 (Đại Nghĩa, Đại Lộc) đang sử dụng nước sạch của Nhà máy nước Ái Nghĩa, khoảng 1 tháng trở lại đây gặp tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm.

lva.jpg
Hệ thống máy móc tại Nhà máy nước Ái Nghĩa đầu tư từ năm 1993 đã xuống cấp cần đầu tư đồng bộ. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tại thị trấn Ái Nghĩa, tình trạng cũng không khá hơn. Nguồn nước sạch liên tục bị gián đoạn, mỗi khi có nước trở lại thì nước rất đục, không thể sử dụng để ăn uống, sinh hoạt. “Gia đình tôi tháng nào cũng đóng 200 - 300 nghìn đồng tiền nước để sử dụng nước sạch nhưng gần đây nguồn nước về nhỏ giọt và thỉnh thoảng đục rất khó chịu” - một hộ dân ở Ái Nghĩa bức xúc.

Phía Nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa cũng liên tục phát đi thông báo về tình trạng họng thu nước của nhà máy hiện suy kiệt nguồn, do mực nước sông quá thấp, khiến nhà máy khó khăn trong việc lấy nước thô đầu vào để xử lý.

Theo khảo sát, năng suất hoạt động của Nhà máy nước Ái Nghĩa chỉ tầm 4.000m3/ngày đêm. Với công suất này, nhà máy chỉ cấp nước cho thị trấn Ái Nghĩa, một phần xã Đại Hiệp và một phần xã Đại Nghĩa. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước của toàn huyện Đại Lộc qua khảo sát lên tới trên 8.000m3/ngày đêm. Toàn bộ nguồn nước thô phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nhà máy nước 100% phụ thuộc vào nước sông Vu Gia đi qua thị trấn Ái Nghĩa (hay còn gọi là sông Yên). Trong khi đó, mùa nắng hạn chỉ mới bắt đầu và số hộ dân bị thiếu nước cục bộ cũng chỉ là một phần dân số được sử dụng nước sạch của huyện Đại Lộc.

Ông Huỳnh Ngọc Chương - Giám đốc Nhà máy nước Ái Nghĩa chia sẻ, từ đầu tháng 2 tới nay, tình trạng mực nước sông xuống thấp diễn ra liên tục, dẫn đến họng thu của nhà máy nhiều thời điểm bị “treo”. Ông Chương lo ngại, tình trạng hạn hán nghiêm trọng, nguy cơ tái diễn sự cố sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp, gây mất an toàn cấp nước cho đô thị và vùng phụ cận.

Tại tổ dân phố Đại Bình (thị trấn Trung Phước, Nông Sơn) công trình bể chứa nước tự chảy được đầu tư năm 2019 sau 3 năm đi vào hoạt động đã không đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước do khô hạn. Đến năm 2022, nhà nước tiếp tục đầu tư hệ thống giếng khoan để dẫn nước về bể chứa này nhưng đến nay, đường ống đưa nước về nhà dân đã bị xuống cấp và tháo dỡ trong quá trình thi công đường giao thông nông thôn.

lvb.jpg
Nhà máy nước Ái Nghĩa được đầu tư đã gần 20 năm, đã xuống cấp, cũ kỹ. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước

Hiện tại, UBND huyện Đại Lộc đã chỉ đạo đơn vị vận hành thuê máy bơm hút nước từ sông Vu Gia vào hố thu, duy trì được khoảng 70% công suất. Ông Trương Công Trái - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất và cụm công nghiệp Đại Lộc thông tin, để đảm bảo nhu cầu sản xuất và cung cấp nước đến khách hàng, Trung tâm đề nghị công ty CP 6.3, Nhà máy nước Ái Nghĩa có kế hoạch triển khai công tác chống hạn và xây dựng dự toán lắp đặt máy bơm dự phòng có công suất lớn khi mực nước sông hạ thấp. Dự kiến, tổng mức đầu tư công trình khoảng 1 tỷ đồng.

nguoi-dan-thon-dui-chieng-xa-phuoc-ninh-chu-dong-dong-gieng-o-bai-boi-ven-song-thu-bon-va-mot-cong-trinh-nuoc-sach-duoc-dau-tu-o-nong-son.-anh-phan-vinh..png

Tại Nông Sơn, để đảm bảo thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, đặc biệt trong mùa khô hạn những năm gần đây, địa phương này đã đầu tư 19 công trình nước sạch. Địa phương này cũng huy động nhiều nguồn hỗ trợ từ các dự án phi chính phủ về đầu tư các công trình nước sạch. Mới đây, tổ chức Hỗ trợ Gia cư Habitat (HFHI) đã đồng ý hỗ trợ 14 công trình nước sạch trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, để đảm bảo phục vụ nước sạch cho người dân, trong quá trình triển khai Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, Nông Sơn sẽ quan tâm nhiều đến công trình giếng khoan, bể chứa để vừa cung cấp tưới cho cây trồng và sinh hoạt. Trước tình trạng nước bị nhiễm phèn, nhiễm vôi, UBND huyện Nông Sơn đang tiến hành làm việc với các đơn vị có chuyên môn để lên phương án triển khai các giải pháp xử lý nước đầu ra trước khi dẫn về khu dân cư.

Nhận diện tình hình khô hạn có thể diễn biến phức tạp, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dài hạn, tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Cạnh đó, các đơn vị này có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cũng chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ cấp nước tự phát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng điều kiện thiếu nước sinh hoạt để trục lợi thông qua cấp nước sinh hoạt với giá cao. Ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư sửa chữa các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, công trình thủy lợi, công trình ngăn mặn giữ ngọt, đảm bảo phục vụ cấp nước cho sinh hoạt cho người dân.

dap-dap-tam-ngan-man.png

Quảng Nam đã và sẽ tiến hành đắp 2 đập tạm trên sông Vĩnh Điện (Điện Bàn) và sông Vu Gia (Đại Lộc) nhằm ngăn mặn xâm nhập, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu và cung ứng cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu.

Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn khẳng định, thời điểm hiện tại các dòng sông trên địa bàn thị xã chưa có tình trạng nhiễm mặn.

kh5.jpg
Đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện. Ảnh: V.L

Từ đầu tháng 2/2024, đập ngăn mặn sông Vĩnh Điện hoàn thành đã giúp ngăn nước nhiễm mặn từ sông Hàn (Đà Nẵng) vào. Vụ đông xuân năm nay, tổng diện tích lúa gieo trồng của Điện Bàn khoảng 5.400 ha và 4.900 ha hoa màu. Đặc biệt, do đảm bảo nước tưới tiêu nên năng suất lúa được mùa, bình quân 69 tạ/ha, tăng 1,5 tạ so với năm 2023.

Địa phương này đã kiến nghị các cấp hỗ trợ làm đập kiên cố lâu dài trên sông Vĩnh Điện nhưng chưa được phản hồi, do vậy trước mắt mỗi năm vẫn phải làm đập tạm (đắp cuối tháng 1 đầu tháng 2, đầu tháng 9 tháo dỡ để thoát lũ).

“Thông thường mùa hè Điện Bàn thường bị ảnh hưởng nhiễm mặn từ 3 cánh, gồm từ sông Hàn vào sông Vĩnh Điện, cánh thứ hai từ Cửa Đại (Hội An) theo hướng sông Thu Bồn lên Điện Phương. Cánh thứ 3 từ sông Cầu Đỏ lên Vu Gia qua sông Bình Phước (Điện Hồng), sông La Thọ. Tuy nhiên, năm nay do thủy điện vẫn duy trì nguồn nước xả nên chưa xuất hiện nhiễm mặn ở 2 cánh này”, ông Chơi nói.

kh6.jpg
Đập tạm sông Quảng Huế sẽ được nâng cao hơn. Ảnh: V.L

Đắp đập tạm trên các dòng sông được xem là giải pháp hiệu quả giải quyết bài toán ngăn nước nhiễm mặn, giúp giữ nước ngọt, cung cấp cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt khu vực hạ du.

Từ các năm 2019 đến năm 2021, UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị Quảng Nam cho phép được đắp đập tạm bằng bao cát trên sông Quảng Huế (cao trình +3,2m), hiệu quả khá tốt, góp phần tăng lưu lượng nước về hạ lưu sông Vu Gia, đồng thời giúp cấp nước tưới cho các công trình khai thác nước, trạm bơm của huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn, đặc biệt cấp nước giảm mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Sau 2 năm 2022 và 2023 không đắp đập tạm, cuối tháng 2 vừa qua, UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị được đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để tăng lưu lượng nước về hạ lưu sông Vu Gia đổ về hạ du. Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cũng đã lập hồ sơ thiết kế gửi Sở NN&PTNT, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam xem xét thống nhất triển khai.

Việc TP.Đà Nẵng đề xuất đắp đập tạm trên sông Quảng Huế khiến người dân lo lắng. Bà Trần Thị Hạnh thôn 7, xã Đại An (Đại Lộc) cho biết, khi ngăn dòng nước từ sông Vu Gia chảy vào sông Quảng Huế sẽ khiến mực nước sông sụt giảm, ảnh hưởng đến nước tưới tiêu, sinh hoạt. Một số hộ trong làng cũng đã làm đơn kiến nghị lên xã, huyện về vấn đề này.

kh7.jpg
Người dân lo lắng việc đắp đập sông Quảng Huế sẽ dẫn đến nguy cơ sụt giảm mạch nước ngầm tưới tiêu và sinh hoạt. Ảnh: V.L

Ông Trần Việt Phương –Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, huyện thống nhất cho đắp đập nhưng cần nghiên cứu để lại một phần nước chảy về sông Quảng Huế đủ cung cấp 2 xã Đại An, Đại Cường (nằm 2 bên sông Quảng Huế).

“Những năm trước, khi đập Quảng Huế bị ngăn kín thì mực nước ngầm tại 2 xã Đại An, Đại Cường hụt nghiêm trọng, giếng bơm không đủ nước tưới tiêu lẫn sinh hoạt khiến người dân bức xúc”, ông Phương nhắc lại. Hai xã này có diện tích hoa màu khoảng trên 400 ha, chủ yếu đậu, bắp, mè… đa số tưới nước bằng giếng đóng. Do đó, việc hụt nguồn nước ngầm gây ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất cây trồng.

Trước những phản ánh của người dân, UBND huyện Đại Lộc tiến hành kiểm tra, nghiên cứu và tham vấn cộng đồng dân cư vùng hạ lưu đập về chủ trương đắp đập tạm trên sông Quảng Huế. Mới đây, địa phương này đã có công văn gửi Sở NN&PTNT góp ý về chủ trương xây đập tạm trên sông Quảng Huế năm 2024.

kh8.jpg
Đập Quảng Huế sẽ được ngăn (chỗ vạch đỏ) nhằm đưa nước về Đà Nẵng. Ảnh: V.L

Địa phương cho rằng việc đầu tư xây dựng đập tạm trên sông Quảng Huế là cần thiết, nhằm đảm bảo chia sẻ nguồn nước sông Vu Gia về hạ du, đủ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp các xã vùng Đông của huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và cấp nước cho nhà máy nước Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng).

Tuy nhiên, khi đầu tư xây dựng đập cần tính toán chọn phương án giải pháp điều tiết nước một cách hợp lý, đảm bảo vừa điều tiết, phân phối nước về hạ du sông Vu Gia nhưng cũng vừa phân bổ về hạ du sông Quảng Huế. Điều này nhằm tránh tình trạng như năm 2021 khi xây dựng đập tạm đưa hết nước về hạ du sông Vu Gia, vùng hạ du sông Quảng Huế không có nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân các xã Đại An và Đại Cường.

[VIDEO] - Đập tạm trên sông Quảng Huế và đập trên sông Vĩnh Điện:

VIDEO: VĨNH LỘC

Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho phép TP.Đà Nẵng đắp đập tạm trên sông Quảng Huế nhưng chỉ đắp một phần, không ngăn hết. Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh, đập Quảng Huế đã được Bộ NN&PTNT đầu tư trước đây nhưng vì thấp qua nước tràn, lượng nước về Đà Nẵng không bao nhiêu, bây giờ thiếu nước nên TP.Đà Nẵng muốn nâng cao đập hơn bằng bao cát để nước không chảy hết về sông Thu Bồn. Tỉnh đã đồng ý nhưng năm nay đập chỉ đắp một phần, vẫn phải cho nước về hạ du sông Thu Bồn.

cac-thuy-dien-vao-cuoc.png

Các nhà máy thủy điện đang cùng vào cuộc với chính quyền để đảm bảo đủ nước cấp cho vùng hạ du và dự phòng cả trường hợp mùa mưa đến muộn.

kh9.jpg
Công ty Thủy điện Sông Bung đảm bảo nhu cầu cấp nước cho vùng hạ du chống hạn và đẩy mặn vào mùa khô. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Lê Đình Phúc - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, mực nước hồ giai đoạn này là 170,27m, cao hơn khoảng mực nước quy định của quy trình liên hồ khoảng 167,6 - 169,8m. Lưu lượng nước về hồ ở mức 23m3/s, chỉ đạt 49% so với trung bình nhiều năm là 47m3/s.

Từ đầu năm đến nay, công ty đã vận hành hồ chứa thủy điện với mục tiêu vừa cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, vừa cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp vùng hạ du. Thời điểm hiện tại, lượng nước xả của hồ chứa đảm bảo nhu cầu sử dụng nước ở hạ du cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đồng thời hồ chứa vẫn giữ mực nước cao hơn khoảng mực nước của quy trình liên hồ.

Tổng lượng nước hữu ích còn lại của hồ là 424 triệu m3. Lượng nước này kết hợp với nước về hồ trong thời gian đến sẽ góp phần rất lớn trong việc sản xuất điện đảm bảo an ninh năng lượng và cấp nước hạ du cao điểm mùa cạn năm 2024, đặc biệt là giai đoạn đổ ải vụ hè thu năm 2024 với lưu lượng xả trung bình 80-90 m3/s/ngày, gấp 3-4 lần lưu lượng nước về hồ cùng thời kỳ.

Trước dự báo tình hình khô hạn sẽ gây khó khăn cho việc điều tiết nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước cũng như chủ động tính toán, xây dựng phương án vận hành điều tiết các hồ chứa. Các chủ hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2, ĐakMi 4 tính toán, bố trí thời gian sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, tổ máy phát điện không trùng với thời gian xả nước qua phát điện phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2024 cho khu vực hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn.

Đối với Công ty Thủy điện Sông Bung, hiện quản lý và vận hành 2 nhà máy thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4 với tổng công suất 256MW. Cùng nhiệm vụ phát điện, công ty này điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho vùng hạ du. Hiện nay, mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4 ở cao trình cao hơn mực nước quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa đảm bảo nhu cầu cấp nước cho vùng hạ du chống hạn và đẩy mặn vào mùa khô.

Từ đầu năm đến nay Công ty Thủy điện Sông Bung đã cấp nước cho hạ du là 440,578 triệu m3. Công ty đã tích nước hồ chứa Sông Bung 2 đạt 605m và Sông Bung 4 là 222,5m. Lượng nước này của 2 hồ kết hợp nước về hồ chứa thời gian tới sẽ đảm bảo cấp nước cho hạ du trong mùa khô.

“Chúng tôi trao đổi thường xuyên với chính quyền địa phương về các nội dung vận hành cấp nước hạ du, giữ nước tối đa đến hết tháng 4 nhằm dự phòng cao nhất phục vụ phát điện các tháng cao điểm mùa khô và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vùng hạ du” - ông Lê Đình Bản - Giám đốc công ty cho biết.

kh10.jpg
Các chủ hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước để đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2024. Ảnh: Q.VIỆT

Ở Công ty CP Thủy điện A Vương, ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc cho biết, mực nước hồ chứa Thủy điện A Vương hiện nay đạt 375,16m đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và cấp nước hạ du phục vụ chống hạn, đẩy mặn trong cao điểm mùa khô năm 2024 và dịp lễ 30/4-1/5.

Theo ông Thế, công ty đã chủ động làm việc với các nhà máy thủy điện trên cùng lưu vực để phối hợp vận hành phát điện và cấp nước về hạ du trong bất kỳ tình huống nào. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để thực hiện tốt tiết kiệm điện, nước, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong các hồ thủy điện cho đến cuối mùa khô, dự phòng cả trường hợp mùa mưa đến muộn.

cay-trong-ne-han-.png

Tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, nông dân ở nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi cây trồng nhằm thích ứng thời tiết.

Ông Nguyễn Đình Bá (thôn Phước Bình, xã Sơn Viên, Nông Sơn) có 5 sào đất lúa. Tuy nhiên, thời tiết khô hạn kéo dài, tình trạng thiếu nước diễn ra liên tục, khiến trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2018, ông Bá chuyển đổi cây trồng từ lúa sang dừa xiêm với 2 sào đất, khoảng 70 cây dừa xiêm lùn. Sau 5 năm, đã có khoảng 30 cây cho thu hoạch lứa đầu tiên, mang về doanh thu khoảng 30 triệu đồng. So với trồng lúa thì việc trồng dừa xiêm hiệu quả gấp 4-5 lần.

ns1.jpg
Nông dân Nông Sơn chủ động chuyển đổi từ cây lúa sang trồng chuối hiệu quả. Ảnh: PHAN VINH

"Một sào lúa bán ra khoảng 2,5 triệu đồng, nhưng trừ chi phí công, phân bón, thuốc trừ sâu, máy cày, máy gặt,... thì không còn bao nhiêu. Chuyển đổi cây trồng từ lúa sang dừa xiêm này là quyết định đúng đắn của gia đình tôi, dần dần có mấy hộ trong xã cũng bắt đầu tới tìm hiểu để về trồng thử" - ông Bá nói.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, những năm qua, từ đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của tỉnh, năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây có hạt trên địa bàn huyện Nông Sơn là gần 2.230ha. Trong đó, cây lúa 1.771ha, cây bắp 458ha, ngoài ra, các cây trồng khác như đậu canh tác 278ha, rau đậu các loại 162ha, khoai lang 25ha và sắn 22ha.

"Đây là kết quả của nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất trên 1 đơn vị diện tích đối với số diện tích không chủ động được nước tưới, không đảm bảo cung cấp đủ nước trong quá trình canh tác, đặc biệt là tình trạng thiếu nước trong vụ hè thu" - ông Nguyễn Văn Lanh nói.

nong-dan-nong-son-chu-dong-chuyen-doi-tu-cay-lua-sang-trong-dau-chuoi-hieu-qua..png
Ảnh: PHAN VINH

[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn chia sẻ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương:

VIDEO: PHAN VINH

Đây cũng là cách thích ứng linh hoạt với thời tiết nhiều địa phương đang vận dụng. Năm 2024, toàn tỉnh có 1.048ha diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa, trong đó, chuyển sang cây trồng hàng năm khoảng 852ha, cây lâu năm khoảng 55ha và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản khoảng 85ha. Các huyện có diện tích chuyển đổi cây trồng nhiều nhất là Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ và Duy Xuyên.

Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là tình hình khô hạn diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, khiến cho lượng nước cung cấp không đảm bảo, đặc biệt là vào khoảng thời gian gần cuối vụ hè thu. Được biết, tất cả diện tích chuyển đổi qua các năm đều phát huy hiệu quả kinh tế hơn so với trồng lúa như trước đây.

Nội dung: VĂN SỰ - PHAN VINH – VĨNH LỘC – HOÀNG LIÊN - QUANG VIỆT

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kích hoạt giải pháp ứng phó với nắng hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO