Kích hoạt lợi thế từ đất vườn, trang trại

MINH TÂM - LÊ QUÂN 14/04/2023 08:23

Xác định kinh tế vườn, kinh tế trang trại có vai trò chủ lực phát triển trong tương lai, Nông Sơn đang tính toán những kế sách phù hợp để phát huy tiềm năng của địa phương.

Đoàn công tác huyện Nông Sơn tham quan mô hình nuôi bò trang trại tại Đồng Nai. Ảnh: T.L
Đoàn công tác huyện Nông Sơn tham quan mô hình nuôi bò trang trại tại Đồng Nai. Ảnh: T.L

Dự án tiềm năng

Đầu tháng 4 này, lãnh đạo huyện Nông Sơn tổ chức gặp mặt doanh nhân và xúc tiến đầu tư tại TP.Hồ Chí Minh. Đoàn công tác của huyện còn đến tham quan, học tập mô hình chăn nuôi bò tại trang trại Sơn Thủy Hà (Xuân Đông, Cẩm Mỹ, Đồng Nai).

Ông Nguyễn Văn Thuần - cổ đông Công ty Quảng Thuận (sở hữu trang trại Sơn Thủy Hà) cho biết, tổng diện tích chuồng trại ở đây khoảng 48ha, cho phép nuôi tổng đàn tối đa khoảng 30 nghìn con. Tuy nhiên, trang trại thường chỉ nuôi 20 nghìn con, còn lại khử khuẩn, giữ chuồng trại sạch để khi nhập bò đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ông Thuần cho rằng, Nông Sơn có nhiều thế mạnh phù hợp chăn nuôi bò quy mô lớn, chuyên nghiệp. Ngoài nguồn lao động sẵn có tại địa phương, Nông Sơn có những cánh đồng nguyên liệu rộng lớn, phì nhiêu bên sông Thu Bồn, có thể cung cấp nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào cho chăn nuôi và tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch. Đặc biệt, bắp là loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện trại bò Sơn Thủy Hà cũng sử dụng bắp làm thức ăn chủ yếu.

Những kinh nghiệm từ các doanh nhân thành công với mô hình kinh tế trang trại là động lực để Nông Sơn tính toán hướng phát triển từ lợi thế của mình.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, địa phương đang có kế hoạch xây dựng 2 dự án lớn và nếu triển khai, đây sẽ là động lực cho bước phát triển kinh tế của huyện.

Cụ thể, một dự án trang trại chăn nuôi gia súc ứng dụng công nghệ tiên tiến ở thôn Phước Hội (xã Quế Lâm) được quy hoạch với diện tích 40ha. Trong đó, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung diện tích hơn 10ha và vùng nguyên liệu thức ăn hơn 29ha, với vị trí giao thông tương đối thuận lợi.

Dự án thứ 2 là khu nông nghiệp sinh thái, kết hợp trồng rừng gỗ lớn Đại Bường - Khương Quế tại thị trấn Trung Phước. Dự án này dự kiến có quy mô hơn 155ha với các khu chính gồm nuôi hươu sao, chồn hương; trồng cây tếch, dó bầu, sâm Hàn Quốc, nấm; khu bungalow, biệt thự tranh tre nứa lá lưu trú qua đêm; khu kết hợp xây dựng điểm ăn uống, phim trường dã ngoại…

Nền tảng thu hút đầu tư

Để hiện thực hóa 2 dự án động lực của địa phương trong tương lai, huyện Nông Sơn đã xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, tham quan, học tập kinh nghiệm; đặc biệt đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện cho biết, trên cơ sở xác định tiềm năng, thế mạnh của mình, địa phương đang nỗ lực chuẩn bị điều kiện, nền tảng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế vườn - kinh tế trang trại.

Nông Sơn đã ban hành Nghị quyết số 57 về hỗ trợ phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến hỗ trợ 200 vườn và 5 trang trại với kinh phí hơn 27 tỷ đồng từ ngân sách huyện và nguồn hỗ trợ của ngân sách tỉnh.

Cùng với đó, chú trọng đổi mới các hình thức sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị. Thuận lợi hơn khi hiện nay, Nông Sơn đã có 14 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao.

Ngoài ra, địa phương đã tập trung nguồn lực, san nền, đầu tư hạ tầng, giao thông, rà soát điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất, mặt bằng cho nhà đầu tư khi có nhu cầu. Huyện đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp với tổng diện tích 65ha; chú trọng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính để thu hút đầu tư, tích cực hỗ trợ các dự án phát triển.

“Vừa qua huyện đã kêu gọi, xúc tiến, thu hút doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh đầu tư vào địa phương với mong muốn giải quyết việc làm, tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh tại địa phương.

Song song, huyện tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình. Đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, có hiệu quả kinh tế cao” - bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Nói về điều kiện để Nông Sơn thu hút nhà đầu tư phát triển mô hình trang trại, ông Nguyễn Văn Thuần - cổ đông Công ty Quảng Thuận cho rằng, với mô hình trang trại, quy mô đàn lớn (từ 1.500 con trở lên) huyện phải có quy hoạch tổng thể về đất đai, chuồng trại, kho bãi. Đặc điểm ở Nông Sơn là có 3 tháng mưa lụt, không thể trồng hoa màu được nên phải có diện tích kho đủ lớn để ủ chua, dự trữ thức ăn.

Đồng thời phải có chủ trương quy hoạch vùng nguyên liệu. Kinh nghiệm ở đây là xây dựng HTX hoặc mô hình nông hộ liên kết ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với trang trại để đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho chăn nuôi.

“Nhược điểm của Nông Sơn là đường vận chuyển xa. Vì vậy mỗi khi nhập con giống phải theo số lượng lớn, do đó quy mô trại phải đủ rộng mới hoạt động hiệu quả. Huyện phải có tính toán, quy hoạch cụ thể, rõ ràng để có mặt bằng thoáng, đảm bảo yêu cầu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư” - ông Thuần chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kích hoạt lợi thế từ đất vườn, trang trại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO