Ngày sách Việt Nam khép lại với những bản tin “sống động” đăng tải trên các trang báo của Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quảng Nam… trong ngày hôm qua 23.4. Những số liệu biết nói ấy vừa cho thấy có sự khác biệt ít nhiều về cách thức tổ chức hội sách, nhu cầu bạn đọc… nhưng quan trọng hơn là tin vui: dòng chảy văn hóa đọc đã được kích hoạt.
Thông cáo báo chí từ Ban tổ chức Hội sách Hải Châu (Đà Nẵng) ghi nhận trong hội sách lần thứ 4 vừa khép lại hôm 22.4, có 230.000 lượt khách tham quan 200 gian hàng mở ở bờ tây sông Hàn. 380.000 bản sách đã được bán ra, cho doanh thu 19 tỷ đồng. “Khách đến hội sách đông nghịt từ ngày đầu cho đến ngày cuối”, thông cáo mô tả không khí những ngày hội sách và phân tích các yếu tố thành công: tổ chức sáng tạo, đầu tư công phu (về nội dung, sân khấu, diễn giả - khách mời), nội dung chương trình phong phú, chọn những điểm nhấn đúng với sự quan tâm, yêu thích của độc giả…
Doanh thu (19 tỷ đồng) có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng với 380.000 bản sách đã bán thì bình quân một cuốn sách ở vào khoảng 50.000 đồng. Con số này có thể tin cậy, vì hầu hết gian hàng sách đều linh hoạt khuyến mãi, có chỗ giảm đến 75%. Chưa kể, nhiều đầu sách bán đồng giá (10.000 đồng, 20.000 đồng, 35.000 đồng/cuốn), sách cũ lẫn sách mới. Có quầy còn “gom” nhóm sách khác nhau lại thành một gói và tung chiêu khuyến mãi. Tất nhiên, nhiều bản sách dù đã giảm giá mạnh nhưng vẫn còn đắt, đến vài trăm nghìn đồng/cuốn. Người viết có biết một khách hàng bỏ ra gần 20 triệu đồng để mua nhiều tác phẩm mang về trưng bày trên quán cà phê sách.
Nên nhớ, tại Hội sách Hải Châu năm 2017 (lần thứ 3), lượng sách bán ra cũng đã đạt hơn 250.000 bản, doanh thu hơn 15 tỷ đồng, thu hút hơn 160.000 lượt khách tham quan mua sắm và nhiều gấp 3 lần so với mùa đầu tiên (năm 2015). Đối chiếu với hội sách lần này, những chỉ số về lượng khách và số bản sách bán ra cũng cho thấy chiều hướng “tăng dần đều” của người yêu sách. Một sự kích hoạt mới dành cho văn hóa đọc.
Quảng Nam cũng khá sôi động với Ngày sách, nhưng dưới góc độ khác. Năm nay, vài địa phương như Núi Thành, Điện Bàn… được chọn để trưng bày sách, riêng Núi Thành có 5.000 đầu sách chủ đề. Hàng nghìn bản sách khác cũng được xe thư viện lưu động đa phương tiện của Thư viện tỉnh Quảng Nam “biên chế” vào chiến dịch kéo dài từ ngày 26.3 đến ngày 10.5, nhằm tiếp cận học sinh ở TP.Tam Kỳ. Ngành giáo dục tại thành phố tỉnh lỵ cũng đã khuyến khích các trường tạo không khí đọc sách sôi động, tùy điều kiện cụ thể.
Mọi so sánh về nhu cầu đọc sách, mua sách, cách tổ chức ngày sách… đều khập khiễng bởi các điều kiện khác nhau về mật độ dân cư, yếu tố địa lý, thời điểm và hình thức tổ chức. Vấn đề quan trọng nhất là đã khơi thông dòng chảy văn hóa đọc ở mọi lứa tuổi.
C.B.L