Kiểm soát chặt lao động nhập cư

NAM VIỆT 16/03/2016 10:41

Trong nỗ lực truy quét lao động nhập cư trái phép, nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) vừa ban hành các quy định mới.

Mới đây, trên trang web thaisa.com của Thái Lan thông báo về việc Chính phủ Thái kiểm soát nghiêm ngặt visa xuất nhập cảnh, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20.3 tới đây. Theo quy định vừa ban hành, đối với công dân nước ngoài tự đến trình diện tại cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan, nếu ở quá hạn từ 90 ngày trở lên, cấm nhập cảnh trong vòng 1 năm, nếu quá hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm sẽ bị cấm nhập cảnh Thái Lan trong thời hạn tương ứng là 3 năm, 5 năm và 10 năm. Còn đối với công dân nước ngoài hết hạn visa mà không khai báo, khi bị cảnh sát Thái Lan phát hiện sẽ bị bắt và đưa ra khởi tố, nếu ở quá hạn từ: không quá 1 năm, cấm nhập cảnh trong vòng 5 năm; hơn 1 năm, cấm nhập cảnh trong 10 năm.

Lao động nước ngoài tại một cơ sở may mặc ở Thái Lan. (Ảnh: wordpress)
Lao động nước ngoài tại một cơ sở may mặc ở Thái Lan. (Ảnh: wordpress)

Theo Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan, quy định trên được ban hành trong bối cảnh số lao động nước ngoài, chủ yếu trong ASEAN lưu trú tại Thái Lan đang gia tăng mạnh, hiện ước tính khoảng một triệu người. Một trong những nguyên nhân khiến những lao động trên hoặc những người đến Thái Lan qua hình thức du lịch nhưng quá hạn thị thực là nhằm tìm kiếm việc làm. Cục Cảnh sát Thái Lan cho hay, quy định chặt chẽ về visa xuất nhập cảnh giúp Thái Lan giảm được nguy cơ phát sinh tội phạm từ những đối tượng lao động bất hợp pháp. Thái Lan yêu cầu các chủ sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc làm cũng như chỗ ở của những lao động làm thuê. Dĩ nhiên, những người nhập cảnh và lao động hợp pháp tại Thái Lan hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Chính phủ Malaysia vừa quyết định tạm dừng tuyển mới lao động nước ngoài, theo lời của Phó Thủ tướng Malaysia Dr Ahmad Zahid Hamidi vào cuối tuần qua trong cuộc họp nội các. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với phân khúc dịch vụ giúp việc. Phó Thủ tướng Malaysia yêu cầu các chủ sử dụng muốn thuê lao động nước ngoài nên tiếp tục sử dụng lao động nước ngoài hiện có tại Malaysia - bằng cách hợp pháp hóa số lao động trên (thời hạn đăng ký đến ngày 30.6) nếu người lao động không có giấy phép lao động hoặc có giấy phép nhưng đã hết hạn. Ngoài ra, các chủ lao động Malaysia nên ưu tiên sử dụng lao động bản địa. Như vậy, những lao động bất hợp pháp tại Malaysia sẽ bị bắt giữ và trục xuất, việc tuyển dụng thêm lao động nước ngoài chỉ thực sự cần thiết khi Malaysia thông báo có nhu cầu. Bất cứ công ty hoặc tổ chức nào sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp sẽ phải chịu các hình phạt theo quyết định của tòa án Malaysia.

Brunei với nguồn tài nguyên phong phú về dầu lửa và khí đốt, một trong những nước giàu nhất ở châu Á và là thị trường lao động tiềm năng. Tuy nhiên, những năm gần đây, Brunei chấp nhận chi phí khoảng 5 triệu USD mỗi năm để trục xuất nhập cư, chủ yếu lao động bất hợp pháp trở về quê hương của họ. Không những Brunei mà chính phủ nhiều nước đều thừa nhận, lao động di cư nhằm bù đắp thiếu hụt lao động trong nước, mang lại lợi ích kinh tế cho cả lao động nhập cư và chính phủ sở tại. Tuy nhiên, nếu không được quản lý nghiêm ngặt thì làn sóng lao động bất hợp pháp có thể gây ra nhiều lo ngại mà các nước sở tại không mong muốn.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát chặt lao động nhập cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO