Kiểm soát chất lượng phân bón trên thị trường: Cần biện pháp hữu hiệu

VIỆT NGUYỄN 21/10/2020 14:18

Ngành chức năng cần có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chất lượng phân bón, ngăn chặn phân bón giả để bảo vệ ngành trồng trọt, đảm bảo chất lượng nông sản, qua đó, nâng cao uy tín của nông sản xứ Quảng trên thị trường.

Người dân rất khó phân biệt phân bón chất lượng hay phân bón giả khi mua về dùng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân rất khó phân biệt phân bón chất lượng hay phân bón giả khi mua về dùng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hồi chuông báo động

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) đã tiến hành 3 đợt thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh. Tại 75 cơ sở, ngành chức năng đã phát hiện, xử lý 5 vụ vi phạm, trong đó có 4 trường hợp buôn bán phân bón không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, 1 trường hợp bán phân bón giả.

Theo ông Lê Đức Lâm, Trưởng phòng Thanh tra - pháp chế Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật, việc xử phạt các hành vi nói trên (hơn 55 triệu đồng) mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi lực lượng thanh tra thiếu trong khi diễn biến của thị trường phân bón rất khó lường.

“Chúng tôi đã phát hiện, ngăn chặn phần nào nạn phân bón giả trên thị trường Quảng Nam. Trong thời gian đến, qua thanh tra, chúng tôi chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón để các cơ sở tuân theo” - ông Lâm nói.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh cho biết, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ chưa thể ngăn chặn triệt để trên địa bàn trong nhiều năm qua đã gây nguy cơ về nguồn nước, ô nhiễm môi trường, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Ngoài ra cũng gây hệ lụy là nông dân sản xuất nông sản khó đạt sản lượng, chất lượng, hàng nông sản khó cạnh tranh trên thị trường, nhất là đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, các doanh nghiệp trong nước thường xuyên sản xuất các loại phân bón vô cơ, hữu cơ kém chất lượng nhưng lại dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, hoàn toàn không tuân theo quy chuẩn đã được Bộ Công Thương quy định. Sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật đã khiến cho mỗi cơ quan chức năng có cách hiểu và giải thích khác nhau, gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra, làm hạn chế hiệu quả thi hành công vụ của các lực lượng chức năng. Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả bí mật khép kín từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ nên rất cần đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, loại bỏ.

Cần giải pháp thiết thực

Trên thị trường có nhiều chủ cơ sở kinh doanh phân bón không có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn phân bón, để lẫn phân bón với các hàng hóa khác, ghi nhãn mập mờ về thành phần, chỉ tiêu chất lượng. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, gia công, đóng gói hoặc thuê địa điểm tại các địa bàn xa khu vực dân cư để trốn tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để làm giả các nhãn hiệu phân bón và bán trót lọt ra thị trường, các đối tượng đã mua phân bón loại rẻ tiền, sau đó trộn thêm các hóa chất và dán nhãn các loại phân bón có uy tín, tuồn ra thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý, dẹp bỏ nạn phân bón giả, Sở NN&PTNT cần chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, ngành quản lý thị trường sẽ tập trung quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Trong công tác tuyên truyền, ngành sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để thông tin kịp thời các trường hợp sai phạm, răn đe các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

“Chúng tôi tổ chức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón ký cam kết không sản xuất, kinh doanh phân bón nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng, đồng thời thanh tra, kiểm tra sau khi ký cam kết để xử lý hiệu quả” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.

Bất cập lớn trong quản lý phân bón là hiện tại chưa có quy chuẩn nhất quán để xác định cụ thể chất lượng những sản phẩm phân bón. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh vẫn được cấp phép, có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy khiến người dân không thể phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng nhái. Ngành chức năng nhiều khi kiểm nghiệm phân bón lại không có kết luận cụ thể, chỉ nói chung chung nên tạo sự lỏng lẻo trong quản lý, xử lý sai phạm. Để giải quyết nạn phân bón giả, ngoài sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn, các cơ quan cần nắm chắt tình hình, đồng bộ vào cuộc, xử lý triệt để các sai phạm...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát chất lượng phân bón trên thị trường: Cần biện pháp hữu hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO