Việc nuôi cá trong lồng bè cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh nuôi theo kiểu tự phát nhằm đảm bảo quyền lợi của người nuôi cũng như các yếu tố xã hội, môi trường liên quan.
Tự phát
Từ năm 2014 đến nay, ông Trần Minh Đức đều đặn thả nuôi cá điêu hồng trong một bè có 10 lồng cá ở sông Tam Kỳ đoạn chảy qua địa bàn phường An Sơn. Trong mỗi lồng cá có thể tích 75m3, ông Đức thả nuôi 14 nghìn con cá giống. Thời gian qua, ông Đức thu được trung bình 2 tấn cá trong mỗi lồng sau 6 tháng thả nuôi. “Giá cá trên thị trường có lúc dao động nhưng thấp nhất khoảng 40 nghìn đồng/kg trong vòng hơn 3 năm qua. Tính chênh lệch thì với mỗi ký cá điêu hồng, tôi thu lợi 10 nghìn đồng. Tính tổng cộng cho 10 lồng nuôi, mỗi năm sau 2 vụ nuôi, giá trị kinh tế thu được khá” - ông Đức nói. Cũng tại khu vực này, nhiều hộ nuôi cá thu lợi hàng trăm triệu đồng sau 2 vụ nuôi mỗi năm. “Chúng tôi muốn tiếp tục nuôi cá, đề xuất đầu tư thêm nhiều lồng nuôi nhưng chính quyền trả lời là không thể. Thậm chí, trong thời gian đến, có thể chúng tôi sẽ không được nuôi cá ở đây nữa” - ông Đức cho biết thêm.
Nuôi cá trong lồng bè cần tuân thủ quy hoạch để đảm bảo các yếu tố xã hội, môi trường liên quan. Ảnh: N.Q.V |
Theo UBND TP.Tam Kỳ, đầu năm 2014, dọc sông Tam Kỳ, Mỹ Cang có tổng cộng 40 hộ dân tự phát nuôi cá mà không đăng ký với chính quyền địa phương, các cấp ngành liên quan. Việc phát triển nhanh chóng và không theo quy hoạch có thể gây ô nhiễm nguồn nước sông, ảnh hưởng đến việc thoát lũ dòng sông Tam Kỳ vào mùa mưa. Thành phố sẽ chỉ đạo các ban ngành liên quan áp dụng các cơ chế của tỉnh, trung ương để hỗ trợ các hộ nuôi cá trong lồng bè khi các hộ nuôi thực hiện đảm bảo các quy định trong thời gian tới. Riêng đối với tổ hợp tác nuôi cá trong lồng bè tại phường An Sơn sẽ không cho phép tiếp tục nuôi và buộc di chuyển xuống khu vực ngã 3 sông giáp ranh với xã Tam Phú và phường Hòa Hương để nuôi cá. Nguyên nhân là nuôi cá trong lồng bè tại phường An Sơn không đảm bảo vì nằm trong khu vực hành lang thoát lũ của đập Phú Ninh. “Trước mắt, UBND thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai hình thành tổ hợp tác nuôi cá trong lồng bè cho các hộ nuôi để tiện quản lý, giám sát nuôi cá đảm bảo về môi trường, kỹ thuật nuôi, con giống, đầu ra sản phẩm. Về lâu dài, thành phố không khuyến khích phát triển hình thức nuôi cá trong lồng bè, tiến đến giảm dần số lượng lồng bè trên các sông” - ông Nguyễn Hồng Lai - Chánh Văn phòng UBND TP.Tam Kỳ cung cấp thông tin.
Tìm hướng phù hợp
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nuôi cá trong lồng bè được khuyến cáo nên triển khai ở các hồ nước đứng có diện tích 50ha trở lên, độ sâu mực nước khi nước hồ xuống thấp nhất đạt hơn 5m, tốc độ dòng chảy khu vực đặt lồng nuôi đạt 0,2 - 0,5m/s, mực nước dao động trong năm ở khu vực nuôi không quá 2 - 5m. Trong các hồ nước đứng, diện tích đặt lồng nuôi cá không quá 0,7% tổng diện tích mặt hồ và các cụm lồng đặt cách nhau không dưới 50m. Các khu vực được đưa vào nuôi cá trong lồng bè tại Quảng Nam gồm: Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, A Vương, Sông Bung, Sông Kôn 2, khu vực Phước Bình, Trung Lộc (Nông Sơn), Hố Giang (Quế Sơn), Đông Tiển (Thăng Bình) và sông Tam Kỳ. |
Theo UBND TP.Tam Kỳ, việc phát triển nuôi cá trong lồng bè không theo quy hoạch và cấp phép của cơ quan có thẩm quyền trên sông Tam Kỳ là vấn đề rất cấp thiết. Sau khi được UBND tỉnh đưa vào quy hoạch, thành phố sẽ phối hợp với các ngành, các cấp của tỉnh để khảo sát tổng thể thực trạng nuôi cá trong lồng bè trên các dòng sông Tam Kỳ, Bàn Thạch, Mỹ Cang. Sau đó, sẽ tính toán, bố trí, cơ cấu lại cho phù hợp. Hướng phát triển là kết hợp nuôi cá trong lồng bè gắn với phát triển du lịch sinh thái, đảm bảo cảnh quan, môi trường, phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, cái khó là đầu ra sản phẩm vẫn còn nhỏ lẻ. Thời gian tới, Phòng Kinh tế Tam Kỳ sẽ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ để tổ chức tập huấn kỹ thuật, cập nhật các biện pháp, quy trình phòng chống dịch bệnh cho các loại cá được nuôi trong lồng bè để các hộ nuôi chủ động sản xuất.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có gần 12.847ha diện tích có thể nuôi cá nước ngọt. Thế nhưng sau nửa năm điều chỉnh quy hoạch nuôi thủy sản được thông qua, chỉ mới có khoảng 400 lồng cá được nuôi trên địa bàn tỉnh. “Thực chất nuôi cá trong lồng bè tại Quảng Nam đến nay vẫn chỉ là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Ngoài điều kiện nuôi không đảm bảo thì cách nuôi không phù hợp, thị trường không đảm bảo cũng khiến người nuôi cá gặp khó. Đến nay, nhiều cơ chế hỗ trợ nuôi trồng thủy sản vẫn chưa đi vào thực tế. Cụ thể, chưa có hộ nuôi cá trong lồng bè nào được hỗ trợ đầu tư lồng bè nuôi cá với mức hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng. Chúng tôi sẽ phổ biến các nội dung được hỗ trợ về nuôi cá trong lồng bè ở các địa phương trên địa bàn để các đối tượng nuôi cá, người thu mua thủy sản được biết, tiếp cận cơ chế hỗ trợ” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT