Kiểm soát đất đai chưa chặt chẽ

TRẦN HỮU 17/05/2018 13:38

Chuyện kiểm soát đất đai lỏng lẻo, không tuân thủ quy hoạch lần nữa lại  được xới lên tại buổi làm việc của đoàn giám sát HĐND tỉnh với lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) vào hôm qua 16.5.

Hiện trường khai thác đất san lấp tại xã Phú Thọ (Quế Sơn). Ảnh: T.H
Hiện trường khai thác đất san lấp tại xã Phú Thọ (Quế Sơn). Ảnh: T.H

Vừa phê duyệt xong lại điều chỉnh

Kết quả thực hiện thu hồi đất năm 2017 cho thấy, tỷ lệ triển khai danh mục thu hồi đất được HĐND tỉnh thông qua đạt rất thấp. Đơn cử, tại huyện Núi Thành, tổng diện tích thu hồi đất được duyệt hơn 756ha nhưng chỉ thực hiện gần 138ha (chiếm hơn 18%). Tại TP.Tam Kỳ, có 104 danh mục thu hồi đất nhưng chỉ thực hiện 15 danh mục (chiếm tỷ lệ 14,4%). Tỷ lệ thực hiện kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) và danh mục dự án thu hồi đất đạt bình quân dưới 30%. Nguyên nhân đạt thấp, theo Sở TN&MT bởi nhiều dự án đăng ký rồi để đó vì không có nguồn vốn đầu tư, vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Viễn nêu bất cập: KHSDĐ năm 2018 vừa duyệt xong thì đã điều chỉnh. Nhiều nhà đầu tư chỉ biết chạy theo lợi nhuận mà chưa chú trọng xây dựng hạ tầng dự án đồng bộ. Ông Viễn cho rằng, vất vả nhất là duyệt giá đất của dự án vì thực tế thời gian qua duyệt giá đất không phù hợp. “Dự án vào là giá đất không bình thường. Nếu làm căng giá đất, nhà đầu tư sẽ có triệu chứng “sổ mũi đau đầu”. Vì vậy, để kiểm soát chặt chẽ nguồn lực đất đai, tỉnh cần bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng. Khi có đất sạch thì đem ra bán đấu giá công khai nhưng đất không sạch không có nghĩa phải giao đất cho nhà đầu tư” - ông Viễn nói về khó khăn khi ban hành giá đất phê duyệt dự án. Lý giải thêm nguyên nhân vì sao KHSDĐ đạt hàng năm thấp, ông Đặng Tấn Phương, Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, các thông tin đầu vào về dự án khá mơ hồ nhưng địa phương vẫn đưa vào danh mục, KHSDĐ hàng năm.

Theo luật định, muốn chuyển mục đích dưới 10ha đất lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đều được HĐND tỉnh thống nhất trước khi triển khai thực hiện. Những dự án chuyển mục đích từ 10ha đất lúa trở lên, từ 20ha đất rừng phòng hộ, đặc dụng thì UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.  Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức cho rằng, thực tế ở địa phương có dự án sử dụng một khu đất quy mô diện tích hơn 10ha đất lúa nhưng để “lách luật”, chủ đầu tư đã chia ra nhiều dự án nhỏ để thu hồi đất lúa với diện tích dưới 10ha, vì với quy mô này nằm trong thẩm quyền của HĐND tỉnh xem xét. Theo quy định, lập KHSDĐ hàng năm phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được cấp có thẩm quyền duyệt. Quy hoạch KHSDĐ cấp dưới phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp trên và chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ. Nhưng đến nay Chính phủ chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 nên tỉnh chưa có cơ sở phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất. Cho nên KHSDĐ hàng năm và quản lý chỉ tiêu sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng phòng hộ gặp khó khăn.

Kẽ hở quản lý

Phải công khai đấu thầu sử dụng đất sạch
Đó là một trong những nội dung lưu ý của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở TN&MT liên quan đến chấp hành quy định pháp luật về lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các dự án quy mô lớn vào hôm qua 16.5.  Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, thời gian qua xuất hiện nhiều dự án đô thị, bất động sản nhếch nhác, đầu cơ đất nhưng không có nhu cầu xây nhà ở. Trong khi đó, quản lý nhà nước về đất đai, bất động sản rất bất cập. Cho nên, HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ quản lý nghiêm ngặt quy hoạch chung; kiểm soát được đất dự án. Không được bán rẻ tài nguyên đất bằng mọi giá. Cấm chuyển nhượng đất cây xanh sang thương mại dịch vụ…

Trong ba năm (2015 - 2017), Sở TN&MT thực hiện 34 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực đất đai. Qua thanh tra, Sở TN&MT kiến nghị thu hồi 156ha đối với 7 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Dacom, Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam, Công ty CP Ngọc Nam Phương, Xí nghiệp Dịch vụ thương mại và sản xuất nông lâm nghiệp Quảng Sơn, Công ty CP Than điện Nông Sơn, Công ty TNHH Du lịch Thái Sơn, Công ty CP Đại Quang. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn kiến nghị thu hồi hơn 3,4 tỷ đồng về sai phạm của Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng khoáng sản miền Trung, Tổng Công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH MTV Sản xuất khung gầm thùng xe Chu Lai - Trường Hải, Công ty CP Đầu tư xây dựng Lương Tài, Công ty CP Vinaconex 25, Tổng Công ty Xây dựng số 1, Thủy điện Sông Bung 2.

Hàng loạt dự án nhiều năm liền không triển khai, theo ý kiến của đoàn giám sát HĐND tỉnh là do ngành chức năng không tiến hành thanh tra, giám sát thường xuyên, cạnh đó kiểm soát rất lỏng lẻo việc thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng. Theo Sở TN&MT, thực tế lực lượng chức năng chưa có chế tài xử lý cứng rắn với các địa phương đăng ký danh mục, chỉ tiêu đất đăng ký nhiều nhưng thực hiện thấp. Vì thế năm sau tiếp tục đăng ký làm mất thời gian, hiệu quả thấp trong quản lý sử dụng đất. Việc đăng ký KHSDĐ gây nhiều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như quản lý nhà nước. Với chuyển đổi đất lúa sang đất phi nông nghiệp, người dân bị thu hồi đất mất đất sản xuất nhưng việc chuyển đổi ngành nghề chưa được chú trọng với từng dự án. Giải quyết việc làm cho người lao động thiếu bền vững. Vướng mắc trong chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng gây nên tình trạng khiếu nại, khiếu kiện dai dẳng. Ngoài ra, chất lượng quy hoạch không cao, không khớp với KHSDĐ. Các huyện như Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn… rầm rộ đầu tư các dự án khu phố chợ, bất động sản, khai thác quỹ đất. Tuy vậy, theo ông Viễn, đến nay hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường, mức độ đóng góp cho nguồn thu ngân sách thì vẫn chưa được đánh giá một cách toàn diện. Hậu quả là đất lúa dọc quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ chuyển đổi sang mục đích khác rất nhiều.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát đất đai chưa chặt chẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO