Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang tăng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy chưa khống chế được dịch bệnh nhưng ngành y tế hiện vẫn kiểm soát được tình hình, xử lý tốt các tình huống và diễn biến trong dịch, nên không có trường hợp tử vong.
Trong tuần qua, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh đã phối hợp với địa phương tập trung xử lý 9 ổ dịch ở Tam An, Tam Dân (Phú Ninh), Vĩnh Điện, Điện Minh, Điện Nam Đông (Điện Bàn), Nam Phước, Duy Phước (Duy Xuyên), thị trấn Núi Thành, Tam Anh Nam (Núi Thành). Đến nay, Trung tâm YTDP tỉnh đã cung cấp đầy đủ và kịp thời hóa chất, phương tiện phòng chống dịch cho các địa phương. Những xã có từ 3 ổ dịch trở lên đều xử lý phun hóa chất trên quy mô toàn xã. Do không thể phun hóa chất trong khi trời mưa nên trong 2 ngày nghỉ cuối tuần vừa qua (ngày 19 và 20.11), khi trời hửng nắng, các cán bộ y tế đã tranh thủ phun hóa chất để phòng tránh dịch bệnh lây lan và bùng phát. Theo cán bộ Trung tâm YTDP tỉnh, đứng điểm ở huyện Phú Ninh, tuy đợt này Phú Ninh chưa phải là nơi trọng điểm của SXH nhưng do trên địa bàn có nhiều lò giết mổ gia súc nên đơn vị đã chủ động dập dịch.
Bệnh nhân điều trị bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Xuân Mai |
Với phương châm phòng chống và dập dịch chủ động, tại những địa bàn trọng điểm mắc SXH, lãnh đạo Trung tâm Ytdp tỉnh đã phân công cán bộ đứng điểm, giám sát; đối với những địa phương ít có người mắc như Tam Kỳ, Quế Sơn, Nông Sơn… (mỗi nơi chỉ vài ba trường hợp), đơn vị hướng dẫn địa phương tự xử lý. Theo ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm YTDP tỉnh, qua theo dõi tình hình dịch bệnh nhiều năm qua cho thấy, tháng 11 hằng năm luôn là cao điểm xảy ra dịch SXH bởi tình hình thời tiết lúc này thích hợp cho sự phát triển của muỗi vằn. Đặc biệt năm nay, do thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường, muỗi vằn xuất hiện nhiều cộng với việc nhiều người dân chưa có ý thức vệ sinh môi trường đã khiến dịch bệnh SXH tăng cao. “Ngành y tế đã xử lý dịch kịp thời như phát hiện sớm và điều trị tích cực đối với các trường hợp mắc bệnh nên không xảy ra tử vong. Tuy nhiên, trong phòng chống dịch bệnh SXH, vai trò của người dân, của cộng đồng rất quan trọng - mà việc này ở một số địa phương vẫn còn hạn chế”. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong khi diễn biến của dịch vẫn còn phức tạp và mặc dù đã được tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, nhiều gia đình vẫn chưa quan tâm đến vệ sinh môi trường, nhất là chưa xử lý dụng cụ chứa nước lưu cữu - nơi sản sinh gọ gậy.
Theo số liệu cập nhật của Trung tâm YTDP tỉnh, tính đến ngày 20.11, toàn tỉnh ghi nhận 2.757 trường hợp mắc SXH, tập trung ở các địa phương đồng bằng. Chỉ tính riêng tuần qua (từ 14 đến 20.11), Hội An có thêm 59 ca mắc, nâng tổng số người mắc toàn thành phố lên 830. Tương tự, ở Duy Xuyên là 40 ca (tổng số 506 ca), Núi Thành 53 (tổng số 493 ca), Thăng Bình 28 ca (tổng số 294 ca). Các huyện miền núi không xảy ra dịch bệnh do quần thể muỗi vằn (tác nhân truyền bệnh SXH) không phát triển tại khu vực này... Nhìn chung, ngành y tế của tỉnh hiện đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình và đủ sức để dập dịch SXH. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hoàn, trong quá trình kiểm tra, giám sát, ông nhận thấy nhiều gia đình chưa chủ động việc phòng bệnh, thậm chí cả những gia đình có người mắc bệnh vẫn không chú ý đến biện pháp diệt bọ gậy. “Đây là điều mà ngành y tế rất khó kiểm soát. Do vậy, chúng tôi rất cần chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân trong việc phòng chống dịch bệnh, chứ việc phun hóa chất chỉ là cấp thời” - ông Hoàn nói.
CHÂU NỮ