Việc đại dịch Covid-19 được cho là xuất phát từ động vật hoang dã (ĐVHD), cũng như nhiều dịch bệnh khác bắt nguồn từ động vật, đã đến lúc buộc các ngành chức năng của tỉnh cần có các biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát ĐVHD.
Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những “điểm nóng” về săn bắt, khai thác, buôn bán ĐVHD trên thế giới. Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã tập trung ở những thành phố lớn như ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Trong khi đó, các tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum là nơi khai thác các loài hoang dã. Quốc lộ 1 là tuyến đường vận chuyển các loài hoang dã nhiều nhất Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng được coi là một nước trung chuyển trong hoạt động buôn bán ĐVHD xuyên biên giới và xuyên quốc gia.
Nhiều loài động vật và sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài như tê giác châu Phi, voi châu Phi, các loài mèo lớn, gấu, tê tê, rùa nước ngọt, rắn và kỳ đà có nguồn gốc từ các nước châu Á khác… đang được buôn bán, tiêu thụ và trung chuyển qua Việt Nam.
Cuộc điều tra, khảo sát đa dạng sinh học tại rừng Trung Trường Sơn, dự án Trường Sơn Xanh tại Việt Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho thấy, từ năm 2011 - 2017, có hơn 100 nghìn bẫy dây phanh được cán bộ, chuyên gia dự án gỡ tại Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam và Khu bảo tồn Sao la Huế.
Tại Quảng Nam, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2018 đến nay, cơ quan kiểm lâm đã tịch thu 130 cá thể động vật rừng, gần 900kg động vật rừng vận chuyển, mua bán trái quy định. Năm 2019, hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
Về hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến ĐVHD bao gồm: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991, 2004); Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Đa dạng sinh học 2008... Đáng chú ý, Bộ luật Hình sự năm 1999, lần đầu tiên có một điều quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã tăng khung hình phạt gấp nhiều lần; thậm chí nhiều người bị xử lý hình sự phạt tù khi vận chuyển, buôn bán ĐVHD…
Để ngăn ngừa, kiểm soát ĐVHD nhập khẩu trái phép vào Việt Nam, mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp vừa yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố triển khai tham mưu UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nhập khẩu, mua bán, tàng trữ, chế biến, kinh doanh trái pháp luật mẫu ĐVHD.
Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở không để động vật hoang dã nhập lậu vào nước ta. Cấm nhập khẩu mẫu vật ĐVHD. Tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển ĐVHD trong nội địa; đồng thời chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tạm thời dừng hoạt động xác nhận bảng kê lâm sản vận chuyển lâm sản là ĐVHD ra khỏi địa phương cho đến khi có thông báo mới.
Tăng cường quản lý hoạt động gây nuôi, chế biến, kinh doanh ĐVHD. Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu, trong trường hợp phát hiện ĐVHD mắc các bệnh truyền nhiễm cần tiến hành khoanh vùng, xử lý theo quy định pháp luật về thú y.