Giá mặt hàng cát sỏi xây dựng ngày càng tăng cao khiến nguồn cát sỏi lòng sông, hoặc các mỏ lộ thiên bị khai thác mất kiểm soát. Kiểm tra hồ sơ pháp lý các bến bãi tập kết, mua bán cát sỏi... được cho là động thái cần thiết trong thời điểm hiện tại.
Gia tăng hoạt động khai thác trái phép
Những năm gần đây, hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh và TP.Đà Nẵng diễn ra rầm rộ kéo theo nhu cầu rất cao về vật liệu xây dựng. Cát sỏi là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện với những quy định ràng buộc khá chặt chẽ của pháp luật, nên các khu vực cát sỏi xem xét cấp giấy phép cũng được “sát hạch” kỹ càng. Hàng chục điểm mỏ khai thác ở lòng sông Vu Gia - Thu Bồn, nhưng vẫn chưa đủ cung cấp ra thị trường. Với lợi nhuận cao, lưu vực này nổi tiếng là... dòng sông cát lậu.
Lực lượng chức năng tỉnh sẽ có cuộc tổng kiểm tra và xử lý mạnh tay các bến bãi cát lập trái phép. TRONG ẢNH: Một bến bãi lập ở sông Thu Bồn, đoạn qua phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn.Ảnh: T.HỮU |
Theo thống kê năm 2016 của Sở Tài nguyên - môi trường, trên địa bàn tỉnh có 30 giấy phép khai thác cát sỏi đã được cấp và đang còn hiệu lực, với tổng diện tích 133ha, trữ lượng 5,3 triệu mét khối. Tuy nhiên, bao nhiêu khối cát bất hợp pháp trôi chảy, bao nhiêu điểm mỏ tận thu trá hình thì vẫn còn là ẩn số. Theo khảo sát của phóng viên Báo Quảng Nam, hậu quả của nạn cát lậu rất nghiêm trọng. Đối tượng nhắm vào các vị trí khai thác thường là những khu vực không đảm bảo điều kiện để quy hoạch thăm dò, khai thác như luồng tàu chạy, sát bờ sông, hành lang an toàn cầu, đất sản xuất của nhân dân, trữ lượng thấp hoặc khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Điểm chung các vị trí này là dễ dàng trung chuyển, gần nơi tập kết, tiêu thụ. Nhiều trạm chốt chặn, cán bộ bố trí canh phòng giữ tài nguyên trên sông Thu Bồn song vẫn chưa giải quyết triệt để, nhất là ở các địa bàn giáp ranh.
Riêng tại thị xã Điện Bàn, có 128 phương tiện được đăng kiểm, 21 bến bãi tập kết cát dọc sông, thành lập trạm kiểm soát đường sông ở một số xã để kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát. Thời gian qua có không ít phương tiện chở cát trái phép bị tịch thu và cơ quan chức năng cũng xử phạt hành chính hàng tỷ đồng đối với các đối tượng vi phạm. Điều đáng nói, phần lớn các đầu nậu, đại lý cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn đều mua lại cát từ các tàu thuyền khai thác trái phép, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo tiết lộ của một chủ công trình xây dựng, một số dự án, công trình mua cát trôi nổi trên thị trường vì giá rẻ, chi phí vận chuyển thấp hơn mua ở nơi có nguồn gốc xuất xứ. Bến bãi tập kết cát sỏi tự phát mọc ra tràn lan, qua mặt cả chính quyền sở tại. Sở Tài nguyên - môi trường xác định thị xã Điện Bàn, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình là “điểm nóng” của tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông. Ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường thừa nhận, hệ thống lòng sông Vu Gia - Thu Bồn rất phức tạp về khai thác cát lậu. Không chỉ gây sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường, tình trạng trộm cát còn làm thất thu ngân sách nhà nước, mất an ninh trật tự địa bàn. Quy hoạch khoáng sản của tỉnh với mục tiêu sẽ bảo vệ được tài nguyên, khai thác và sử dụng hợp lý nhưng thực tế nhiều địa phương tỏ ra bất lực, lỏng lẻo quản lý.
Xử lý mạnh tay
Năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác theo từng thời kỳ. Theo đó trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 184 mỏ, điểm mỏ cát, sỏi được quy hoạch thăm dò, khai thác với tổng diện tích 1.777ha và trữ lượng dự kiến khoảng hơn 60 triệu mét khối. Mới đây, UBND tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. |
Chưa nói đến tình trạng lộn xộn dưới lòng sông, ở trên bờ các bãi tập kết cát sỏi cũng thả nổi quản lý. Từ lỗ hổng quản lý, các tàu lợi dụng dự án nạo vét luồng lạch Cửa Đại vận chuyển cát đem ra Đà Nẵng san lấp. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra tất cả bến bãi tập kết, mua bán cát sỏi, kết hợp với kiểm tra hoạt động các mỏ khoáng sản trên địa bàn. Tỉnh cương quyết đình chỉ các bến bãi không phép; trường hợp có phép nhưng không đảm bảo môi trường, gây hư hỏng đường sá... cũng bị đình chỉ, thu hồi. “Nghiêm cấm và chấm dứt ngay các khoản thu bến bãi ngoài quy định ở các địa phương. Đối với các bến bãi tập kết vật liệu cát sỏi không đảm bảo môi trường, gây hư hỏng đường sá hoặc không đảm bảo an toàn phải đình chỉ và đề nghị Sở GTVT thu hồi giấy phép hoạt động. Trường hợp các chủ bến bãi vi phạm cam kết chất hàng hóa, vật liệu lên xe quá tải trọng, đề xuất cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, thu hồi các giấy phép hoạt động bến, giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
UBND tỉnh cũng quyết định tạm dừng cấp giấy phép mở mới các bến thủy nội địa có kết hợp với tập kết vật liệu cát sỏi để kiểm tra. Theo ông Lê Văn Sinh - Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 40 bến. Trong đó có 22 bến đã cấp phép, 12 bến đã xin chủ trương đầu tư, còn lại 6 bến chưa làm thủ tục hồ sơ pháp lý có liên quan. Tỉnh chỉ đạo bến nào chưa cấp phép là đình chỉ ngay. Nằm trong chiến dịch siết chặt khoáng sản, một tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa (gồm Ban An toàn giao thông tỉnh, Thanh tra giao thông tỉnh, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam...) được thành lập, chủ yếu chốt chặn ở ngã ba Vòm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), cầu Hòa Đông (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc), nơi hợp lưu giữa sông Thu Bồn và sông Vĩnh Điện. Những ghe thuyền không đăng ký, đăng kiểm, đủ giấy phép hành nghề mà hoạt động chở cát lậu sẽ bị xử phạt nặng, có thể tịch thu cả phương tiện.
TRẦN HỮU