Kiểm soát giống cây dược liệu

HOÀNG LIÊN 28/12/2018 05:19

Qua 3 năm triển khai Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Quyết định 2950 của UBND tỉnh, Quảng Nam đạt được những kết quả bước đầu. Song, để đưa cây dược liệu phát triển mạnh, cần phải tăng cường kiểm soát nguồn giống, chú trọng bảo tồn và phát triển nguồn giống bản địa.

Cần tăng cường kiểm soát nguồn giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: H.L
Cần tăng cường kiểm soát nguồn giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: H.L

Phát triển nhanh

Quảng Nam có nhiều lợi thế về phát triển cây dược liệu bởi diện tích đất gò đồi, rừng núi lớn, độ che phủ tán rừng lớn, lợi thế về thị trường. Nam Trà My hiện có 4 doanh nghiệp được cấp phép trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đăng ký là 40ha; đồng thời đã tiến hành giao đất cho 39 nhóm hộ (hơn 1.500 hộ) với tổng diện tích cấp phép hơn 1.200ha. Đến nay, đã có 2 loại cây dược liệu có chỉ dẫn địa lý là Sâm Ngọc Linh và Quế Trà My. Huyện đầu tư kinh phí nâng cấp, mở rộng Trại sâm gốc Tắc Ngo (thôn 2 Trà Linh) và Trại ươm giống của huyện (thôn 1 Trà Nam) để đáp ứng nhu cầu về giống…

Trên địa bàn Tây Giang, Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Thiên Bình và HTX Nông nghiệp Ch’Ơm vừa ra đời, là hai HTX chuyên sản xuất giống, trồng và kết nối với nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm ba kích tím và đẳng sâm cùng một số loại dược liệu Tây Giang. Ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX Thiên Bình cho biết, hiện HTX có tới 3 khu vực sản xuất giống ba kích (vườn ươm rộng 0,5ha) và khu trồng cây ba kích nguyên liệu (rộng 1,5ha). “HTX đã chủ động giống cung ứng cho người dân, vừa trồng ba kích. Hiện cây ba kích trồng dưới tán rừng đã 1 năm tuổi. Chúng tôi muốn hạ giá thành cây ba kích ở Tây Giang xuống, giá hiện nay 400 - 500 nghìn đồng/kg, thời gian tới sẽ là 150 - 200 nghìn đồng/kg để tiếp cận người tiêu dùng. HTX cũng đa dạng hóa các sản phẩm từ ba kích và đẳng sâm, hiện là bán tươi, ngâm rượu, sắp tới sẽ có sản phẩm cao ba kích, đẳng sâm...” - ông Hiển nói.

Tại xã A Xan, huyện Tây Giang, diện tích cây sả chanh được mở rộng từ 2ha lên tới 20ha. Phó Chủ tịch UBND xã A Xan - ông Ploong A Nghệ chia sẻ, hiện cây sả chanh được Công ty CP Sâm Ngọc Linh thu mua toàn bộ và sắp tới diện tích sẽ mở rộng tại 4 xã vùng cao. Mỗi ngày, công ty có thể chế biến được 500kg sả chanh nguyên liệu, nếu điện lưới quốc gia được kéo đến vùng, việc sản xuất của công ty sẽ thuận lợi hơn. A Xan cũng phát triển cây đẳng sâm và nhiều cây dược liệu khác từ cơ chế Nghị quyết 202 và Quyết định 2950 của UBND tỉnh. Nhiều hộ trồng đẳng sâm với diện tích lớn, có thể kể đến hộ Bríu Ký, (thôn A Rầng 1) trồng 2ha đẳng sâm trên rừng đồi. Bling Hào trồng xen đẳng sâm với lúa, bắp rất hiệu quả trên diện tích 1ha... Ông Hồ Đắc Vinh - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm cho hay, cây đẳng sâm của xã hiện có 169ha với 67 hộ trồng. Năm 2018, xã được hỗ trợ 680 triệu đồng để hỗ trợ cung ứng giống đẳng sâm cho nhân dân từ nguồn 30a, 135 của Chính phủ.

Kiểm soát giống

Theo Sở NN&PTNT, qua 3 năm triển khai Nghị quyết 202, Quảng Nam đã xây dựng được quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển được một số cây dược liệu tập trung mang giá trị kinh tế cao như: sâm Ngọc Linh, quế Trà My, đảng sâm, ba kích tím... Năm 2016, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư, sản xuất giống dược liệu tại Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam với tổng kinh phí 500 triệu đồng, đã sản xuất và cung ứng 30.000 cây ba kích nuôi cấy mô cho huyện Tây Giang. Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng cây dược liệu trong 3 năm. Đã và đang xây dựng 5 khu vực trồng bảo tồn chủ động, kết hợp sản xuất giống 3 loại cây dược liệu đẳng sâm, sa nhân tím và ba kích tím với tổng diện tích 25ha nhằm bảo tồn nguồn gen quý, chủ động cung ứng giống. Trong 3 năm, UBND tỉnh đã bố trí gần 19 tỷ đồng phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển 3 cây dược liệu trên với tổng diện tích 430,58ha.

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, qua 3 năm triển khai Nghị quyết 202, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác phát triển giống dược liệu gặp khó do quy mô sản xuất chỉ mới tập trung tại một số đơn vị, chưa có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và những doanh nghiệp lớn. Phần lớn giống dược liệu sử dụng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về số lượng, chất lượng, nguồn gốc giống không rõ ràng. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư liên kết với người dân từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến giá cả đầu ra sản phẩm dược liệu còn bấp bênh...

Để đạt mục tiêu đề ra, ông Lê Muộn cho rằng, trước hết công tác giống dược liệu cần đảm bảo. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý giống tạm thời nhằm đảm bảo giống dược liệu sử dụng trên địa bàn tỉnh đạt chất lượng, góp phần lưu giữ nguồn gen dược liệu bản địa. Đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc cây giống, chất lượng cây giống phải tuân thủ hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu. Tiếp tục rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu trên địa bàn theo hướng nâng cao năng lực sản xuất giống tại chỗ bằng giống bản địa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các địa phương phát triển cây dược liệu; hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức sản xuất và thu hút đầu tư. Đẩy mạnh hình thành các HTX để kết nối với doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất và cam kết thu mua sản phẩm dược liệu của người dân, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát giống cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO