(QNO) - Gần cuối năm luôn là thời điểm lâm tặc ồ ạt khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, cho dù lực lượng kiểm lâm có nhiều phương án truy quét.
Cung đường gỗ lậu
Tại thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang), lâu nay hình thành hẳn một “làng lâm tặc”, bởi thanh niên chuyên sống bằng nghề khai thác gỗ lậu, hoặc đi làm thuê vận chuyển gỗ ra khỏi bìa rừng. Trâu nuôi thả không phải để bán lấy thịt, hay phục vụ sản xuất trồng trọt mà chủ yếu làm phương tiện kéo gỗ. Tuy nhiên, gần đây do rừng gần khu dân cư đã nghèo kiệt, còn ít cây đại thụ, người dân đã ngược lên phía thượng nguồn giáp với địa bàn huyện Nông Sơn.
Từ thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ) men theo dấu chân trâu theo hướng giáp với xã Quế Ninh (Nông Sơn), chúng tôi đã bắt gặp ngay những phách gỗ xẻ nằm rải rác dọc bìa rừng. Trên đường đi, thỉnh thoảng bắt gặp 4-5 con trâu nặng nề kéo gỗ. “Chở gỗ giữa ban ngày không sợ kiểm lâm phạt hả?” - tôi hỏi. Nhiều gã sơn tràng bình thản đáp lại: “Lấy mấy phách về làm nhà thôi mà”. Theo họ, vị trí khai thác gỗ đi bộ mất gần 1 ngày, nhóm thợ cưa lốc nằm dài ngày trong rừng. Triệt hạ cây xong lần lượt họ rọc xẻ thành phách theo quy cách. Sau đó đưa trâu kéo gỗ ra địa điểm tập kết. Sau khi gỗ được tập kết ven bìa rừng, nhóm thanh niên khác dùng xe máy, xe bò kéo đưa gỗ về các xưởng bán, hoặc cất giữ trong nhà. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một thợ sơn tràng, gỗ rừng bây giờ ít cất giấu trong nhà, sau khi tích trữ được lượng gỗ nhất định, các đối tượng vận chuyển gỗ bằng xe máy chở thẳng xuống Đại Lộc tiêu thụ. Đường dây trên do một số người ở địa bàn Đại Lộc, thị xã Điện Bàn lên tổ chức, họ chỉ trả tiền công cho người dân địa phương có trâu kéo gỗ.
Trâu vận chuyển gỗ lậu tại Thạnh Mỹ (Nam Giang). Ảnh: TRẦN NGUYỄN |
Tại thôn Dung, theo quan sát của chúng tôi có ít nhất 3 xưởng cưa “trá hình” đang hoạt động. Tất cả bên ngoài đều được che chắn cẩn thận. Tuy nhiên, theo chính quyền thị trấn Thạnh Mỹ, gỗ trên địa bàn chừ hiếm lắm, các đối tượng chủ yếu kéo từ hướng Nông Sơn về. Các xưởng mộc ở đây đều cam kết không tiêu thụ gỗ lậu, gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20 của UBND tỉnh về quản lý người và phương tiện vào khu rừng cấm.
Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh) nhận định, thời điểm cuối năm, Nam Giang nổi lên như “điểm nóng” phá rừng bởi nơi đây có các con đường trung chuyển, tập kết gỗ lậu được lâm tặc thường xuyên sử dụng. Đặc biệt đường Hồ Chí Minh qua xã Cà Dy, thị trấn Thạnh Mỹ luôn được mệnh danh là “cung đường gỗ lậu”. Mới đây Công an huyện Nam Giang đã tạm giữ hình sự 2 đối tượng chở gỗ trên xe máy có hành vi dùng dao chống lại lực lượng chức năng. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Tình trạng các đối tượng dùng xe hết thời hạn lưu thông chở gỗ lậu sẵn sàng chống lại cán bộ kiểm lâm có chiều hướng gia tăng vào thời điểm cận tết. Trong và sau mùa mưa lũ năm nay, kiểm lâm đã kiểm soát được lâm sản trên các tuyến đường huyết mạch”.
Kịch bản sẽ thay đổi
Từ khi thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy, từ năm 2011 đến 2016, lực lượng chức năng phát hiện 7.329 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, tịch thu gần 11.000m3 các loại; tạm giữ 119 xe ô tô và 311 xe máy, 114 cưa xăng. Ngoài ra, còn khởi tố 152 vụ án hình sự, thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt lâm luật gần 74 tỷ đồng. Riêng năm 2016, phát hiện 1.035 vụ vi phạm lâm luật; tịch thu hơn 1.300m3 gỗ các loại; tạm giữ 19 xe ô tô, 47 xe mô tô; khởi tố 38 vụ án hình sự... |
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2016 ngoại trừ vụ phá rừng pơ mu trọng điểm ở biên giới Việt - Lào qua huyện Nam Giang, thì hầu hết các “điểm nóng” phá rừng đã được hạ nhiệt. Cơ quan điều tra đã khởi tố hình sự 38 vụ án liên quan đến phá rừng. Số vụ và khối lượng gỗ tịch thu cũng giảm đi đáng kể so với năm 2015. Ông Tuấn phân tích: “Rừng tạm yên chính là nhờ ngành và chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Gỗ lậu bị cắt đường tiêu thụ do UBND tỉnh chỉ đạo chặt việc quản lý, bố trí, sắp xếp, kiểm tra và xử lý các cơ sở cưa xẻ gỗ”.
Gỗ lậu giấu kín tại nhà dân dọc quốc lộ 14D, đoạn qua địa bàn xã Chà Vàl (Nam Giang). Ảnh: TRẦN NGUYỄN |
Theo phương án của ngành kiểm lâm, kịch bản giữ rừng dịp tết năm nay vẫn tổ chức truy quét ở các vùng giáp ranh, các khu rừng trọng điểm thường xuyên bị phá. Xử lý nghiêm minh các chủ rừng được Nhà nước giao rừng tự nhiên, hoặc rừng trồng bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại nếu để xảy ra phá rừng. Kịch bản về đấu tranh với các hành vi phá rừng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm này sẽ có thay đổi theo hướng bất ngờ và thực tế hơn.
Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 diễn ra vào cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, kiểm lâm phải huy động toàn lực để giữ rừng thời điểm nóng. Tiếp tục nắm bắt thông tin tình hình địa bàn để xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án mở đợt cao điểm kiểm tra, truy quét tại các địa bàn trọng điểm về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, vận chuyển gỗ lậu ở chiến dịch trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu sắp đến.
TRẦN NGUYỄN