Kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên mạng

VIỆT NGUYỄN 03/03/2023 04:43

Thương mại điện tử ngày càng phát triển; tuy nhiên kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng kinh doanh bằng hình thức này là nhiệm vụ khó.

Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đơn vị đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định TMĐT trên địa bàn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đơn vị đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định TMĐT trên địa bàn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều lỗ hổng

Mới đây, chị Trang Thanh Vy (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) đặt mua nhiều hàng hóa gồm quần áo, mỹ phẩm, thiết bị điện tử, đồng hồ… tại một địa chỉ giao dịch qua sàn thương mại điện tử (TMĐT). Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, chị Vy thấy không “đẹp” như quảng cáo nên hỏi nhân viên giao hàng thì được trả lời chỉ thực hiện giao hàng còn hàng hóa chất lượng thế nào thì… chịu.

Chị Vy nhận hàng trong lo âu sau đó lấy điện thoại để cập nhật lại trang bán hàng thì không tìm được trang này nữa. “Tôi nghĩ mua hàng qua TMĐT tiện vì ít tốn thời gian, không tốn công sức di dời hàng hóa về nhà nhưng thực tế lại khó kiểm soát chất lượng” - chị Vy nói.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường đã bắt giữ, xử lý 159 sản phẩm thuốc lá điện tử các loại, 720 hộp kẹo trà sữa, 320 hộp bánh, 300 bịch kẹo ô mai, 864 hộp kem đánh răng, 40 hộp táo đỏ, 400 gói kẹo chanh, 70 hộp nho khô, 540 gói kẹo sữa hương trái cây, 240 gói hạt hướng dương, 48 bếp nướng, 240 kéo Nhật Bàn, 14 máy xay thịt, 7 máy xay tỏi hành… do sai phạm trong kinh doanh qua TMĐT.

Khi người tiêu dùng đặt mua hàng hóa thông qua sàn TMĐT, thông tin sẽ được chuyển đến đơn vị bán hàng và bên bán trực tiếp đóng gói sản phẩm, sau đó giao cho đơn vị vận chuyển để đưa tới khách hàng. Chất lượng hàng hóa được đóng gói là hàng thật, hàng giả, hay hàng kém chất lượng thì chỉ bên bán mới biết.

Ông Lê Cần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho rằng, TMĐT khác với thương mại truyền thống ở chỗ có sự tham gia đồng thời của bên thứ ba - đơn vị vận chuyển. Có tình trạng công ty vận chuyển hàng hóa không biết hàng hóa vận chuyển là gì nên có thể tiếp tay hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận sử hữu trí tuệ. TMĐT dựa trên nền tảng công nghệ, việc ẩn đi, xóa chứng cứ rất nhanh.

“Để qua mắt người tiêu dùng, chủ bán hàng qua mạng sử dụng một địa chỉ không liên quan hoặc địa chỉ không có thật để giao dịch, sau đó tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau nên khó khăn cho công tác điều tra, xử lý vi phạm” - ông Lê Cần nói.

Nhiều người tiêu dùng ở các huyện Thăng Bình, Núi Thành thời gian gần đây liên tục phản ứng vì chiêu trò “treo đầu dê, bán thịt chó” trong TMĐT.

Chị Trắc Phan Hoàng (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cho biết, trang bán hàng qua mạng giới thiệu thông tin hàng hóa là thật nhưng khi mua xong, nhận hàng thì là hàng nhái.

“Mình đâu có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng nhái. Sử dụng một thời gian mới biết… bị lừa” - chị Hoàng nói.

Để bán được hàng hóa, các trang mạng “đánh” vào tâm lý của người mua hàng là thích dùng hàng giá rẻ. Bởi vậy, nhiều thương hiệu thời trang về quần áo, giày dép, mũ nón bị giả mạo khi hàng hóa đến tay người dùng sau khi đặt mua qua mạng.

Tăng cường quản lý

Đánh giá về hiệu quả chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu, hàng nhái trên TMĐT thời gian qua, ông Lương Viết Tịnh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho rằng bước đầu có hiệu quả và tạo chuyển biến.

Từ tháng 10/2020 đến nay, đã kiểm tra 4 vụ, xử lý vi phạm 4 vụ, số tiền phạt là hơn 61 triệu đồng. Các hành vi sai phạm trong TMĐT là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; hàng hóa có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật. Qua xử phạt và thông tin giúp các chủ bán hàng qua mạng nhận thức rõ hơn về các quy định của pháp luật, cam kết “nói không” với bán hàng lậu, hàng giả qua mạng.

Ông Lương Viết Tịnh nhận định, TMĐT là xu thế tất yếu và sẽ còn diễn biến phức tạp. Rất cần hiện nay là khung pháp lý chặt chẽ để loại trừ hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng.

Các cơ quan chức năng ở Trung ương cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên TMĐT. Giải pháp về tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe các đơn vị, cá nhân kinh doanh bất hợp pháp trên TMĐT cần được triển khai.

Để kích thích những tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính trên TMĐT đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, cần có các quy định, điều kiện tham gia hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn.

Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đơn vị đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định TMĐT trên địa bàn, nhất là chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền qua báo, đài, tuyên truyền bằng văn bản, tổ chức các hội thảo, hội nghị.

Thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về TMĐT cho đội ngũ công chức quản lý thị trường và đầu tư, vận dụng các trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. “Chúng tôi quản lý địa bàn chặt, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhất là công an để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong kinh doanh qua mạng” - ông Lương Viết Tịnh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO