Trong đợt ra quân cao điểm của đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy, còn nhiều lỗ hổng trong kiểm soát hoạt động bến thủy nội địa gắn với bãi tập kết vật liệu cát, sỏi.
Chưa nền nếp
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã thành lập đoàn liên ngành để triển khai kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Chánh Thanh tra Sở GTVT, ông Võ Quang Lâm cho biết: “Đoàn liên ngành có sự tham gia của đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GTVT, Công an tỉnh, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Chi cục Quản lý thị trường và các địa phương gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Núi Thành.
Hoạt động của bến thủy nội địa gắn với bãi tập kết vật liệu cần được chấn chỉnh quyết liệt. Ảnh: N.B |
Chúng tôi tập trung vào hồ sơ đất đai, môi trường liên quan đến bãi tập kết vật liệu, hoạt động bến thủy nội địa, nguồn gốc cung cấp cát, sỏi tại bãi tập kết, điều kiện hoạt động phương tiện thủy nội địa vận chuyển cát, sỏi cho các bến bãi”. Khoảng chừng 10 ngày thực hiện nhiệm vụ, đoàn kiểm tra đột xuất đến 35 tổ chức, cá nhân có hoạt động bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng, sử dụng phương tiện vận chuyển khoáng sản (chủ yếu cát) tại các địa phương vừa nêu. Thời điểm mà đoàn liên ngành trực tiếp xuống hiện trường, 4 đơn vị đã ngừng hoạt động theo yêu cầu của UBND huyện, tỉnh; 29 địa điểm sử dụng bến thủy nội địa gắn liền với bãi tập kết và 2 nơi còn lại chỉ có bãi tập kết vật liệu. “Qua kiểm tra cho thấy, phần nhiều đơn vị hoạt động chưa nền nếp, đó là chưa nói khá lộn xộn, không tuân thủ theo quy định ban hành” - một thành viên nhận xét.
Để chứng minh, người có trách nhiệm cho hay, dù gắn liền bãi tập kết vật liệu cát, sỏi, 13/29 tổ chức, cá nhân chưa có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đoàn liên ngành phải tạm thời đình chỉ hoạt động và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để chủ bến hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép theo quy định. Cũng cần nói thêm, trong 13 tổ chức, cá nhân vi phạm thì 7 đơn vị mới có hồ sơ chấp thuận chủ trương xây dựng và đang chờ được cấp giấy phép; 6 trường hợp khác trước đây từng bị Thanh tra Sở GTVT xử phạt 60 triệu đồng. Kiểm tra về phương tiện và người lái, các thành viên tiếp tục phát hiện 1 trường hợp người điều khiển phương tiện thiếu bằng lái; 1 chủ phương tiện không xuất trình được bản chính của giấy đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bằng lái của người điều khiển. Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 9,5 triệu đồng ngay tại hiện trường. Còn để vận chuyển cát, một số chủ bến, bãi thuê phương tiện song họ lại không đưa ra hợp đồng giao kèo nào nên đã bị nhắc nhở, khuyến cáo không tái phạm. Liên quan đến bãi tập kết vật liệu, hầu hết đất đai chưa được cơ quan chức năng cho thuê hoặc chuyển mục đích sang sản xuất kinh doanh; 18 bãi tập kết thiếu giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường…
Siết chặt quản lý
Tại thời điểm kiểm tra về bến thủy nội địa, đoàn liên ngành phát hiện trên địa bàn Đại Lộc có 3 đơn vị không có giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tương tự, Điện Bàn có 6 đơn vị, Hội An 3 đơn vị, Duy Xuyên 1 đơn vị vi phạm. Đối với bãi tập kết vật liệu, Đại Lộc có 1 đơn vị, Điện Bàn 9 đơn vị, Hội An 3 đơn vị, Duy Xuyên 9 đơn vị, Tam Kỳ và Núi Thành có 2 đơn vị sử dụng đất chưa đảm bảo theo quy định. Trường hợp không có xác nhận bảo vệ môi trường của cơ quan chức năng, Đại Lộc và Điện Bàn đều có 2 địa chỉ, Hội An 3 đơn vị, Duy Xuyên 8 đơn vị, Tam Kỳ và Núi Thành mỗi địa phương 1 đơn vị. |
Qua đợt kiểm tra vừa qua, đại diện đoàn liên ngành thừa nhận thực tế có nhiều vấn đề nổi cộm liên quan về hồ sơ bến, thủ tục đất đai, môi trường bãi tập kết vật liệu. Đơn cử, một số hộ, cá nhân nắm trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm mục đích đất ở, đất thổ cư hay đất trồng cây lâu năm; song thực tế họ lại sử dụng làm bến bãi, sản xuất kinh doanh. Chưa kể vẫn rơi vào trường hợp nêu trên, UBND cấp xã còn “mạnh dạn” xác nhận trong trích đo địa chính là khu vực tập kết vật liệu cát, sỏi. Thậm chí có nơi, đất đai do UBND cấp xã quản lý, nhưng địa phương lại ký hợp đồng cho hộ, cá nhân thuê đất, mượn tạm đất… để làm bãi tập kết cát, sỏi (sử dụng vào mục đích kinh doanh). Một số trường hợp khác, UBND cấp huyện vẫn cấp giấy xác nhận hồ sơ môi trường giúp hộ kinh doanh sử dụng trong hoạt động tập kết vật liệu dù thủ tục đất đai thiếu trước hụt sau.
Về trách nhiệm của ngành được giao thành lập đoàn kiểm tra, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cho biết, đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thu hồi, hủy bỏ các hợp đồng, văn bản, xác nhận cho phép sử dụng đất đai làm bãi tập kết vật liệu trái thẩm quyền. Đồng thời chính quyền cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu UBND cấp xã thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Những tổ chức, cá nhân nào đã được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa mà hồ sơ đất đai bãi tập kết vật liệu chưa đảm bảo quy định, UBND cấp huyện có văn bản hướng dẫn thủ tục liên quan trước khi đưa vào sử dụng. Ông Lê Văn Sinh còn cho biết, Sở GTVT giao trách nhiệm cho lực lượng thanh tra lập biên bản vi phạm hành chính và buộc “treo” bến thủy nội địa theo thẩm quyền đối với địa chỉ có kết hợp bãi tập kết vật liệu “chui”. Phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát và cho phép bến hoạt động khi nào đã tuân thủ chặt chẽ trình tự thủ tục; lực lượng thanh tra còn xử lý nghiêm địa chỉ vi phạm nhưng vẫn tiếp tục vận hành. Cạnh đó, ngành cũng đã kiến nghị UBND tỉnh cho Sở GTVT bổ sung nội dung “Yêu cầu tổ chức, cá nhân phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục sử dụng bãi tập kết vật liệu hợp pháp theo quy định thì mới được cấp giấy phép hoạt động” vào quá trình cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Nếu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh, hy vọng vào sông nước bình yên trở lại mới có cơ sở hiện thực hóa.
NGỌC BÍCH