Tình trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai sẽ làm biến đổi các chỉ số nhân khẩu học, tác động tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, xã hội.
Không có kinh phí
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh chung toàn tỉnh trong những năm vừa qua giảm từ 113,66 bé trai/100 bé gái (năm 2010) xuống 107,58 bé trai/100 bé gái (năm 2016). Tuy nhiên, đây vẫn là chỉ số cao và không ổn định (chuẩn tỷ số giới tính khi sinh dao động từ 103 đến 106 bé trai/100 bé gái) so với cả nước. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có giải pháp sát sườn để kiểm soát, hạn chế thực trạng trên. Theo đó, khó khăn trước hết mà cán bộ dân số trên địa bàn tỉnh nhắc đến chính là kinh phí. Hầu như mọi hoạt động về mất cân bằng giới tính khi sinh ở trên địa bàn đều chỉ là lồng ghép cùng với các chương trình khác. “Đó cũng chính là rào cản lớn nhất khiến cho công tác này vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Mặc dù chỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh nằm trong ngưỡng cho phép nhưng vẫn thuộc nhóm cao trên cả nước. Nhưng muốn làm được điều này mà không có sự hỗ trợ thì rất khó”- ông Mai Văn Mười - Giám đốc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nói.
Mất cân bằng giới tính ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, gia đình và xã hội. Ảnh: Internet |
Theo bà Đinh Thúy Mai - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phước Sơn, những kế hoạch, chương trình tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện phải lồng ghép với các chương trình khác như: tuyên truyền không sinh con thứ 3, tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình. “Hiện nay, chúng tôi nỗ lực không để tình trạng mất cân bằng giới tính bị đẩy lên quá cao. Nhưng nếu không có kinh phí thì rất khó đạt hiệu quả cao”- bà Mai nói. Bà Bùi Thị Lệ Thủy - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP.Tam Kỳ cho biết, mỗi khi tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát các cơ sở cũng như xây dựng chương trình hành động cho chương trình này đều rất khó trong việc bố trí kinh phí. “Cũng vì không có kinh phí nên những đợt tuyên truyền, hình thức tuyên truyền và đối tượng được tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh đều bị giới hạn. Đối tượng được tuyên truyền về vấn đề này cần phải mở rộng là các em học sinh, nam giới và cả người cao tuổi chứ không phải chỉ là phụ nữ. Chính những người này đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc quyết định giới tính khi sinh. Nhưng biết thế cũng đành chịu vì không có đủ nguồn lực”- bà Thủy chia sẻ.
Cần thay đổi nhận thức
Hiện nay, đã có nhiều văn bản quy phạm quy định từng mức phạt cụ thể cho mỗi hành vi vi phạm trong việc lựa chọn giới tính thai nhi: hành vi tuyên truyền, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; hành vi chẩn đoán, xác định thai nhi; vi phạm về quy định lựa chọn giới tính thai nhi; hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính... đều có mức phạt khá nặng. “Tuy nhiên, ai sẽ thường xuyên kiểm tra những hành vi này, cơ sở nào xử phạt đều chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Đại đa số chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, không có tính răn đe nên khó có thể kiểm soát được tình hình”- ông Mai Văn Mười chia sẻ. |
Trong cuộc hội thảo mới đây do tổ chức Liên minh thế giới EU và Bộ Y tế tổ chức về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh thì đầu tiên là phải thay đổi từ ý thức thông qua tuyên truyền, vận động. Ông Tân lấy ví dụ, cách đây mấy năm, có một người nguyên là bí thư của một tỉnh ở Tây Nguyên. Khi đương chức người ta chỉ biết ông ta có 2 người con gái. Nhưng khi đã về hưu thì ngang nhiên công khai mình có một người con trai khác, đã lớn tuổi và lấy đó làm tự hào. “Có thể thấy, ngay cả một ở vị trí cao nhưng vẫn nặng tâm lý có con trai nối dõi tông đường. Chính vì vậy, việc thay đổi nhận thức rất quan trọng”- ông Tân nói.
Theo ghi nhận của những cuộc điều tra dân số mới đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 để tìm kiếm con trai lại xuất hiện nhiều ở người có học thức, điều kiện khá giả. “Khi kinh tế gia đình vững, nhiều người muốn sinh thêm con. Tình trạng này xảy ra rất nhiều trong những gia đình thuộc tầng lớp trí thức hẳn hoi”- ông Mai Văn Mười cho biết thêm. “Còn ở miền núi, việc lựa chọn giới tính thai nhi khi rất ít, vì thường họ thuận theo tự nhiên, việc siêu âm chỉ để xem thai nhi có phát triển tốt hay không. Tuy nhiên, tâm lý con cái là của để dành, có càng nhiều con càng tốt khiến họ sinh nhiều con. Nên chúng tôi tích cực tuyên truyền mặt này”- bà Đinh Thúy Mai thông tin. Hiện tại, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện Phước Sơn nằm xấp xỉ 104 trai/100 bé gái, ở ngưỡng an toàn cho phép trong cả nước.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, cán bộ thuộc Bộ GD-ĐT, để hạn chế việc mất cân bằng giới tính thì cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, mà việc đầu tiên là phải tuyên truyền thế nào cho hiệu quả. “Đối tượng, hình thức tuyên truyền cũng phải được mở rộng, đa dạng hơn. Đôi khi, chỉ tuyên truyền cho người phụ nữ hiểu, nhưng vai trò của họ trong gia đình không có thì làm sao có thể thực hiện. Riêng Bộ GD-ĐT đã tổ chức những buổi tuyên truyền cho các em học sinh, sinh viên với nhiều hình thức khác nhau, sinh động để các thông điệp liên quan thấm dần, tạo nền tảng cho những quyết định sau này. Còn ông Jose Cardora - Cố vấn trưởng Quỹ hỗ trợ kỹ thuật cho y tế (thuộc Liên minh châu Âu EU) nhấn mạnh: “Hiện nay, các giải pháp từ chính quyền địa phương các cấp vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề. Bởi đây là vấn đề nằm trong ý thức, nên cần phải có sự cứng rắn và mềm mỏng vừa phải để buộc người dân phải thay đổi”.
NGUYỄN DƯƠNG