Nhiều năm nay, các nhà máy ở cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc nổi lên như “điểm đen” ô nhiễm môi trường. Tuy nhiều cơ sở nỗ lực khắc phục sự cố nhưng vẫn chưa triệt để, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Từ 10 năm trước, chính quyền huyện Đại Lộc đã có cơ chế hết sức thông thoáng để thu hút đầu tư. Các cụm công nghiệp đua nhau hình thành, một thời gian là “điểm sáng” về phát triển công nghiệp của tỉnh. Và chính kiểu đầu tư ồ ạt, thiếu sàng lọc và xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường nên để lại nhiều hậu quả. Tại các kỳ họp HĐND, phần lớn cử tri địa phương đều tỏ ra bức xúc về vấn nạn ô nhiễm môi trường từ các nhà máy sản xuất công nghiệp. Người dân lẫn chính quyền địa phương luôn phàn nàn về Công ty CP Prime Đại Lộc xả thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhiều diện tích đất không thể sản xuất lúa do ô nhiễm. Thêm vào đó, khói bụi đá của nhà máy thải ra cũng khiến môi trường không khí nơi đây bị ảnh hưởng nặng. Mỗi lần gây hậu quả, phía doanh nghiệp đều có bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Cho nên, về lâu dài, UBND xã Đại Quang và huyện Đại Lộc đề xuất phương án chuyển đổi toàn bộ 100ha đất nông nghiệp gần khu vực nhà máy sang đất công nghiệp, nhưng giải pháp này đến nay vẫn chưa thực thi.
Người dân nhiều lần phản ánh Công ty CP Prime Đại Lộc gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Cơ sở sản xuất, chế biến bột cá của Công ty TNHH Đại Hòa tại Cụm công nghiệp Mỹ An cũng là “địa chỉ đen” tại địa phương. Theo cán bộ xã Đại Quang (Đại Lộc), mùi từ hoạt động chế biến của nhà máy bốc ra, gặp trời gió to, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường của xã Đại Quang mà các vùng lân cận của xã Đại Nghĩa, Đại Đồng cũng bị ô nhiễm... Đi vào hoạt động từ năm 2011, nhà máy chế biến bột cá này sử dụng nguyên liệu chính là vỏ tôm, đầu cá... với công suất hoạt động 20 - 30 tấn/ngày. UBND huyện Đại Lộc nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính do doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các quy định bảo vệ môi trường nhưng tình trạng phát tán mùi hôi trong quá trình sản xuất vẫn không được công ty xử lý triệt để. Trong đợt kiểm tra của lực lượng chức năng gần đây đã phát hiện công ty chưa có kho chứa chất thải nguy hại; không có bể xử lý bùn; nước thải chưa đạt quy chuẩn, vẫn còn màu đen; không sử dụng chế phẩm sinh học tại bãi tập kết nguyên liệu; chưa có giải pháp cải thiện khâu nhập nguyên liệu; mùi hôi vẫn còn... Theo chính quyền xã Đại Quang, hoạt động chế biến bột cá của công ty nằm ở vị trí gần khu dân cư nên khó tránh khỏi ô nhiễm không khí. Tuy Công ty TNHH Đại Hòa đã di chuyển cơ sở sản xuất đến địa điểm mới, cách vị trí cũ gần 500m nhưng thỉnh thoảng mùi hôi thối vẫn bay đến tận khu dân cư.
Trên đây chỉ là 2 nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường điển hình trên địa bàn của huyện Đại Lộc thời gian gần đây. Thời điểm này, tại địa phương có 25 dự án đã đi vào hoạt động và 14 dự án đang triển khai thực hiện tại các cụm công nghiệp. Ngành chức năng đã xác định được 3 điểm nóng về môi trường qua đơn thư phản ánh của người dân, gồm các Cụm công nghiệp Đại Quang 2, Đại An và Đại Tân. Qua các cuộc giám sát của HĐND tỉnh đều nhận định, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp đều có công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện xử lý môi trường. Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, thực trạng chung là có quá nhiều cụm công nghiệp ra đời trên địa bàn tỉnh, đặc biệt huyện Đại Lộc. Thậm chí chỉ có một nhà máy sản xuất công nghiệp cũng xin có cụm công nghiệp. Mới đây, tại địa bàn có đề nghị Sở TN-MT đồng ý một đề án bảo vệ môi trường nhưng đơn vị tham mưu UBND tỉnh cương quyết không phê duyệt đề án. “Không thể chấp nhận đề án bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp mà chỉ có mỗi một nhà máy sản xuất. Vai trò chức năng của cụm công nghiệp về xây dựng hạ tầng, hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường hầu như không thể hiện rõ. Cho nên, sở đang xem xét, rà soát loại bỏ một số cụm công nghiệp không hiệu quả” - bà Hạnh nói.
Tình trạng ô nhiêm môi trường tại các nhà máy sản xuất công nghiệp tại huyện Đại Lộc vượt quá sự kiểm soát của địa phương. Các biện pháp xử phạt hành chính xem ra không xử lý tận gốc. Được biết, từ đầu năm đến nay, UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính đối với các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường với số tiền 70 triệu đồng.
TRẦN HỮU