“Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” là chủ đề chính của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018.
Doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến đảm bảo an toàn lao động tại chỗ. Ảnh: D.L |
An toàn nơi làm việc
Những năm gần đây, công tác ATVSLĐ trong toàn tỉnh, đặc biệt là tại các doanh nghiệp được chú trọng hơn. Tại Công ty CP Thủy điện A Vương, các quy định của pháp luật về ATVSLĐ đã được công ty quan tâm. Qua kiểm tra thực tế của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, nhiều quy định của pháp luật được công ty thực hiện như thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên và có phụ cấp, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ. Các kế hoạch như công tác ATVSLĐ hàng năm, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường, ứng cứu khẩn cấp và tổ chức diễn tập ứng cứu khẩn cấp đã được lập đầy đủ. Toàn bộ 165 lao động của công ty được huấn luyện ATVSLĐ, được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khỏe định kỳ, được mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Hàng ngày, mạng lưới an toàn vệ sinh viên đều thực hiện chế độ tự kiểm tra về ATVSLĐ. Tất cả thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đều được công ty kiểm định; đồng thời nội quy, quy trình vận hành các loại máy móc, thiết bị về các biện pháp làm việc ATVSLĐ đã được công ty niêm yết.
Theo ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH), việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ đã được chủ sử dụng lao động quan tâm hơn. Ông Tứ cho biết: “Những quy định về ATVSLĐ đã được thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, người lao động bằng nhiều hình thức, đã góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan. Các đoàn kiểm tra chuyên đề, thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động khi đi kiểm tra đã chỉ ra những mặt được và chưa được để doanh nghiệp thực hiện tốt hơn”. Bên cạnh đó, ông Tứ đánh giá rằng, cũng có nơi chưa thực hiện tốt, chưa quan tâm đến ATVSLĐ. Sở LĐ-TB&XH và các ngành liên quan sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là những người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Phòng ngừa yếu tố nguy hại
Năm 2017, khoảng 1.500 cán bộ làm công tác ATVSLĐ, người lao động đã được tập huấn các kiến thức về ATVSLĐ. Công an tỉnh đã tổ chức 48 lượt tuyên truyền phòng cháy chữa cháy lưu động bằng ô tô trong 134 giờ tại các khu dân cư, nơi tập trung đông người, chợ và các khu công nghiệp…; tổ chức 837 lượt tuyên truyền trực tiếp trong 555 giờ cho hơn 33 nghìn người dự nghe. Các ngành phối hợp tổ chức huấn luyện bổ sung nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, người lao động làm trong môi trường nguy hiểm về cháy nổ, gồm 88 lượt trong 1.488 giờ với hơn 5.300 người tham gia.. |
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; lập biên bản đánh giá tình trạng an toàn của thiết bị, máy móc, nhà xưởng và rà soát việc chấp hành các quy định, chế độ bảo hộ lao động, quy trình, biện pháp làm việc ATVSLĐ trong đơn vị và tổ chức khắc phục các hạn chế, thiếu sót. Doanh nghiệp được khuyến khích phát động phong trào thi đua, ký giao ước thi đua đảm bảo ATVSLĐ trong các phân xưởng, tổ, đội sản xuất; tổ chức cuộc thi, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ. Việc làm này sẽ kích thích sự sáng tạo của mỗi người lao động, góp phần cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn. Đo kiểm môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật... cho người lao động là việc làm thiết thực nhất mà chủ sử dụng lao động cần thực hiện. Đặc biệt là hoạt động khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp đối với những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Từ đó có biện pháp đảm bảo sức khỏe cho họ tốt hơn, hạn chế được những gánh nặng về sau cho chính doanh nghiệp và người lao động.
Ông Lê Huy Tứ cho biết thêm, việc tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức. Từ đó tác động đến ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người lao động trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng của người lao động. Trong tháng hành động này, Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về biện pháp phòng ngừa, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành đến doanh nghiệp và người lao động qua các hội thi tìm hiểu pháp luật.
DIỄM LỆ