Chủ đầu tư một số bãi rác lớn trên địa bàn tỉnh đang đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, công nghệ máy móc hiện đại nhằm hạn chế tối đa các sự cố rò rỉ, ô nhiễm môi trường.
Bể chứa nước thải đang xây dựng dang dở tại bãi rác Tam Xuân 2. Ảnh: B.H |
Hai ngày qua, tại bãi rác thôn Bích Sơn (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) xảy ra sự cố nước trong hệ thống khu xử lý nước thải chảy ra ngoài môi trường, khiến người dân lo lắng. Do bãi rác nằm ở vị trí cao ráo, cách xa khu vực dân cư sinh sống nên chưa ảnh hưởng gì đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng. Có mặt tại hiện trường vào sáng 1.8, chúng tôi ghi nhận phản ánh của người dân là có cơ sở. Ông Nguyễn Ngọ - Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam (chủ đầu tư dự án xử lý khu bãi rác thuộc xã Tam Xuân 2) cho biết, thời gian qua, công ty đã đóng bít hoàn toàn hệ thống xử lý chất thải cũ do Sở Xây dựng trước đây làm chủ đầu tư, nhưng cách đây vài ngày nước thải đột ngột xì lên. Đến thời điểm này, đơn vị đã tìm ra nguyên nhân xảy ra sự cố và khắc phục được các điểm ô nhiễm. “Qua hơn 2 ngày, đơn vị huy động nhiều phương tiện, máy móc vào xử lý, đến nay khắc phục xong và người dân đã cảm thông về sự cố ngoài ý muốn” - ông Ngọ nói. Thời điểm này, các đơn vị thi công đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công kiên cố hạng mục xử lý nước thải, hồ sinh học, các bể chứa chất thải. Được biết, khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 đầu tư xây dựng tại thôn Bích Sơn có tổng dung tích 2.760.000m3 trên diện tích 21ha, xử lý rác thải cho các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình và TP.Tam Kỳ, thời gian sử dụng còn khoảng 12 năm nữa.
Một bãi rác khác tại huyện Núi Thành là khu xử lý rác thải xã Tam Nghĩa được xây dựng tại thôn An Thiện, dung tích 195.650m3 chủ yếu xử lý rác thải cho huyện Núi Thành, còn thời gian sử dụng 8 năm nữa. Trong khi đó, tiếp nhận và xử lý lượng lớn rác thải khổng lồ từ các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn lên, bãi xử lý rác thải Đại Hiệp (Đại Lộc) luôn trong tình trạng quá tải. Bãi rác này từng nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 15 khu xử lý rác thải, trong đó chỉ có 6 khu xử lý với hình thức chôn lấp. Hầu hết bãi rác ở miền núi đang được xử lý theo kiểu đốt thủ công nên không đảm bảo vệ sinh môi trường. Tại khu vực đồng bằng, khoảng cách vận chuyển từ nơi thu gom đến điểm xử lý lại khá xa dẫn đến tình trạng ứ đọng rác, gây bốc mùi làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường), thói quen của người dân khu vực nông thôn vẫn là đổ đống và đốt rác thải, kể cả các loại chất dẻo như chai nhựa, cao su, túi ni lông ngay tại gia đình. Việc này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ra nhiều tác hại cho môi trường. Khí thải phát sinh ra từ các đống rác sẽ làm ô nhiễm môi trường không khí, gây mùi hôi, ảnh hưởng sức khỏe con người; nước rỉ do rác sinh ra sẽ chảy xuống ao hồ, ngấm xuống các mạch nước ngầm làm ô nhiễm nguồn nước.
Ở nhiều địa phương trong tỉnh, mối đe dọa cho nguồn nước ngầm bị ô nhiễm có nguyên nhân từ các bãi rác. Các chất thải tại bãi rác khi gặp mưa sẽ theo nước mưa ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Tại các bãi rác lớn như Đại Hiệp (Đại Lộc), Cẩm Hà (TP.Hội An), Tam Đàn (Phú Ninh), bãi rác Tam Xuân 2 (Núi Thành), lượng nước rỉ ra từ rác thải hằng ngày cực kỳ lớn. Khi đo đạc nguồn nước ngầm ở các khu vực này đã chứng minh nguồn nước ngầm bị ô nhiễm vi sinh và có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ. Theo ông Nguyễn Ngọ, việc loại bỏ hệ thống xử lý môi trường cũ kỹ trước đây để đầu tư mới hoàn toàn công nghệ hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chắc chắn chủ đầu tư sẽ kiểm soát được ô nhiễm tại bãi rác Tam Xuân 2.
BÍCH HẠNH