Kiểm soát ô nhiễm từ các khu, cụm công nghiệp

TRỊNH DŨNG 09/03/2017 08:44

Kiểm soát chặt chẽ công nghệ dự án đầu tư quy hoạch, không gian bố trí, sẽ dần loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, sắp xếp phù hợp hơn… là hướng đi của chính quyền và các cơ quan quản lý hiện nay.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Tam Thăng, TP. Tam Kỳ sắp hoàn thiện.Ảnh: T.D
Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Tam Thăng, TP. Tam Kỳ sắp hoàn thiện.Ảnh: T.D

Chưa thể kiểm soát ô nhiễm

Không giới thiệu về con số dự án đầu tư hay tỷ lệ lấp đầy, điều đầu tiên ông Nguyễn Đức Lành - Giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị (chủ đầu tư Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) muốn giới thiệu đến các nhà đầu tư đến xúc tiến hay các quan chức, đoàn kiểm tra đến khu vực này là những con đường rợp bóng cây xanh, nhất là nhà máy xử lý nước thải 5.000m3 ngày đêm được xây dựng cách khu công nghiệp (KCN) này 500m. Trên mặt nước của các bể chứa trước khi thải ra ngoài mọc đầy những bè bèo Tây. Đám cá trắm cỏ, rô phi, diêu hồng… lớn nhỏ lao vào đớp mồi, làm nổi sóng cả mặt hồ. Ông Lành cho đây là một “nhãn hiệu cầu chứng” cho mức độ xanh, sạch, đẹp – một yếu tố cơ bản để các nhà đầu tư mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại một KCN khác. Đó là KCN Tam Thăng, ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai nói, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã từng lên tiếng cảnh báo sự hiện diện của các dự án dệt nhuộm sẽ tạo ra những thách thức đối với môi trường. Xử lý nước thải trong ngành nhuộm đòi hỏi chi phí rất lớn, không phải tất cả nhà đầu tư đều có vốn để làm. Khi KCN Tam Thăng thu hút nhiều dự án dệt nhuộm, ai cũng phân vân. Nhưng những nhà đầu tư hiện thời chính là những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Sự xuất hiện của nhà máy xử lý nước thải 28.000m3 ngày đêm, trước cả những dự án đầu tư sản xuất, đã xóa tan nghi ngờ về nguy cơ ô nhiễm từ KCN này. Ông Huỳnh Thanh Tòng - Trưởng ban Quản lý các KCN Quảng Nam cho biết, KCN Đông Quế Sơn đang trong giai đoạn tăng tốc. Khu xử lý nước thải chuẩn bị hình thành. Như vậy, hiện Quảng Nam đã nâng số KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường lên con số 5, chiếm tỷ lệ 83,3%, bao gồm: KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Tam Hiệp, Tam Thăng, Bắc Chu Lai và Đông Quế Sơn.

Dần loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, dù đã kiểm soát nhưng vẫn lọt lưới những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Quan điểm của chính quyền là tránh lặp lại những sai lầm này. Hiện phải bảo đảm đủ điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động, ràng buộc họ thực hiện theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sẽ phân loại dự án, buộc phải xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường (nếu có) và tăng cường hậu kiểm tốt, không để xảy ra sự cố về môi trường. Sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Định hướng quy hoạch, không gian bố trí, sẽ dần loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, sắp xếp phù hợp hơn.

Đó là dấu hiệu tốt. Nhưng xử lý môi trường vẫn luôn là một điểm trừ trong các báo cáo kết quả của kế hoạch phát triển Quảng Nam thường niên. Những cuộc giám sát của Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho thấy chỉ có 5 KCN và 3 CCN được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tình trạng môi trường không khí, nước thải, mùi hôi tại các KCN vẫn tiếp tục xảy ra. Hình ảnh nhiều người dân chở đất đá đổ lấp miệng cống xả thải của KCN Bắc Chu Lai vì cho rằng nước thải không qua xử lý, đổ trực tiếp ra mương đã gây chú ý trong thời gian qua. Nhiều người còn thấy các công ty đào miệng cống khác thông với hệ thống thoát nước mưa của KCN đổ trực tiếp ra mương. Nhà máy Soda hay Surimi KCN Tam Hiệp mới khởi động đã gây ô nhiễm. Tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, khói bụi từ các nhà máy chế biến lâm sản, đất, phụ liệu; nước thải từ các nhà máy chế biến thủy hải sản, sản xuất giấy tăng nhanh. Những kiến nghị từ người dân đã được các đại biểu đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh (khóa IX) hồi trung tuần tháng 12.2016, yêu cầu sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm tại các KCN này

Ngay các KCN cũng chưa thể hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải thì nói gì đến các cụm công nghiệp (CCN). Hầu hết khu vực này đều chưa đủ năng lực tài chính đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nên đổ thẳng ra tự nhiên là điều không tránh khỏi. Dọc con đường 14B qua Đại Lộc, những nhà máy bám theo mặt đường đầy khói bụi, mùi hôi thối vẫn gây nên bức xúc cho người dân. Chuyện người dân Điện Bàn phản ứng chính quyền, nhà đầu tư và yêu cầu di dời các nhà máy thép hay thủy sản ra khỏi CCN Thương Tín hay An Lưu là minh chứng cụ thể cho tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các CCN nhưng rất khó giải quyết.

Cam kết xử lý môi trường

Lịch sử thu hút đầu tư đã để lại không ít hệ lụy. Mỗi nền kinh tế giống như một cơ thể sống, luôn phải đối mặt với mối nguy bị bệnh tật tấn công. Cách tốt nhất để giữ cho cơ thể khỏe mạnh là thường xuyên tầm soát. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần có cơ hội từ đầu để lựa chọn công nghệ đầu tư nhằm ngăn ngừa ô nhiễm. Nếu không, một khi đã tiếp nhận và cấp phép đầu tư cho các dự án công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, có nguy cơ ô nhiễm với thời hạn 50 năm thì hậu quả đương đầu xử lý sẽ vô cùng lớn. Nhưng đáng tiếc đã không thể thực hiện được. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN cho hay, việc thẩm định các dự án đầu tư đã được quy định trong luật chuyển giao công nghệ và đầu tư. Nhưng việc thẩm định công nghệ các dự án vào khu vực này thường không chặt chẽ hoặc bỏ qua. Khi xảy ra sự cố môi trường, không biết quy cho ai. Ông Tích nói sẽ tổ chức đánh giá trình độ công nghệ cho doanh nghiệp hàng năm, gia tăng thẩm định dự án đầu tư để dễ kiểm soát, xử lý mức độ công nghệ và tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hạn chế khói, bụi từ quá trình sản xuất của nhà máy tại các CCN nhằm giảm ô nhiễm môi trường (ảnh minh họa).
Hạn chế khói, bụi từ quá trình sản xuất của nhà máy tại các CCN nhằm giảm ô nhiễm môi trường (ảnh minh họa).

Không ít địa phương như Núi Thành đã quyết định chỉ dừng lại ở giai đoạn 1 CCN Trảng Tôn, khắc phục ô nhiễm môi trường giữa lòng thị trấn, không cấp thêm dự án sản xuất dăm gỗ tại CCN Nam Chu Lai. Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc cho hay địa phương đã ban hành danh mục một số ngành nghề không xem xét cho đầu tư vào địa bàn. Dứt khoát không thu hút những dự án công nghiệp gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp trong các khu, CCN, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, hướng doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng cường triển khai chương trình sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

Trong phiên họp thường kỳ UBND tỉnh ngày 1.3.2017, ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho hay hiện phong trào chung của các huyện là cứ làm và tỉnh cứ chạy theo việc thu hút đầu tư của họ. Chưa biết lợi ích sẽ bao nhiêu nhưng kiểu không thể kiểm soát, nhất là các dự án sản xuất nhựa, chăn nuôi… sẽ tiếp tục xảy ra nhiều vụ kiện tụng về ô nhiễm môi trường như các dự án trước đây. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng không thể hạn chế thu hút đầu tư. Quan trọng là kiểm soát, tìm ra bài toán, giải pháp xử lý môi trường, giải quyết tốt môi trường ở các KCN, CCN, nhất là ở một số nhà máy sản xuất quy mô lớn. Tất cả KCN sẽ được xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Doanh nghiệp cần ký cam kết không gây ô nhiễm môi trường.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát ô nhiễm từ các khu, cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO