Qua triển khai kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) từ đầu mối nguồn hàng, lực lượng chức năng bước đầu đã phát hiện nhiều sai phạm. Từ đây, nhiều khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật cũng được nhận diện.
Kết quả bước đầu
Nhằm thực hiện hiệu quả KSTTX, UBND tỉnh và ngành giao thông vận tải (GTVT) xác định phải triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều khâu. Cụ thể như, KSTTX trên đường, KSTTX thông qua kích thước thùng hàng xe và đặc biệt là phải triển khai KSTTX từ đầu mối nguồn hàng. Bởi, kiểm soát từ đầu mối nguồn hàng là kiểm soát từ gốc, rồi từ đó phát hiện, xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về xếp hàng lên xe; không cho chủ xe, lái xe thực hiện hành vi chở hàng vượt quá trọng tải cho phép của phương tiện diễn ra. Ngay trước và sau thời hạn (ngày 1.7.2014) hành vi xếp hàng vượt quá trọng tải cho phép của xe bị xử lý theo quy định pháp luật tại Nghị định số NĐ 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Thanh tra Sở GTVT đã trợ giúp ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu các đơn vị đầu mối hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh tham dự.
Các mỏ đá là địa điểm đầu mối nguồn hàng thường xuyên xảy ra vi phạm về KSTTX. Ảnh: C.T |
Tại đây, những doanh nghiệp này phải thực hiện ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá trọng tải cho phép khi tham gia giao thông. “Sau hội nghị, chúng tôi đã thống kê, rà soát và tổ chức đoàn công tác do đồng chí chánh thanh tra làm trưởng đoàn đến làm việc với các đơn vị đầu mối nguồn hàng lớn để tuyên truyền, phổ biến chủ trương KSTTX của Chính phủ, bộ ngành chức năng và của UBND tỉnh; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và nội dung xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP (nay là Nghị định số 46/2016/NĐ-CP). Chúng tôi còn phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam ban hành quy chế phối hợp liên ngành về kiểm tra, xử lý hành vi liên quan của ô tô tải trong và ngoài khu vực cảng biển” - một cán bộ Thanh tra Sở GTVT cho biết.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng 50 đơn vị đầu mối nguồn hàng đã ký cam kết không vi phạm pháp luật. Nội dung chủ yếu là thực hiện nghiêm các quy định liên quan; tiếp nhận thông tin do người vận tải cung cấp để xếp hàng không vượt trọng tải (khối lượng hàng hóa chuyên chở) cho phép khi tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của ô tô và tải trọng, khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ trên toàn tuyến đường lưu hành. Chủ đầu mối phải có trách nhiệm lập sổ sách theo dõi dữ liệu của phương tiện và khối lượng hàng hóa vận chuyển khi ra vào nhà máy, khu vực mỏ; ký xác nhận khối lượng hàng hóa xếp lên xe vào giấy vận tải hoặc chứng từ liên quan đúng quy định… Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn cho hay, sau thời gian tuyên truyền, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất việc thực hiện nội dung cần tuân thủ.
Tại các mỏ đá, đích thân Chánh Thanh tra Sở GTVT trực tiếp đi chỉ đạo thanh tra viên tiến hành các biện pháp nghiệp vụ; đấu tranh quyết liệt để người có trách nhiệm cung cấp phiếu xuất kho, sổ theo dõi… Bước đầu kiểm tra 17 địa chỉ đầu mối nguồn hàng (đất, đá, gạch men) cho thấy, những đơn vị nêu trên đều chưa chấp hành đầy đủ nội dung cam kết đã ký, xếp hàng vượt quá trọng tải cho phép của xe. Lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt 177 triệu đồng. Bên cạnh xử phạt, Thanh tra Sở GTVT còn có văn bản nhắc nhở người đứng đầu cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ trong quá trình xếp hàng, không để tái phạm.
Nhận diện khó khăn
Khi yêu cầu đơn vị chưa ký cam kết chấp hành quy định, hoặc hậu kiểm tại đầu mối nguồn hàng đã “phê chuẩn” văn bản, người thực thi công vụ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, chủ doanh nghiệp thiếu quan tâm đến công tác KSTTX. Nhận thấy bóng dáng thanh tra viên, người đứng đầu thường né tránh. Chánh Thanh tra Sở GTVT Võ Quang Lâm cho biết, đối với những trường hợp này, đơn vị luôn kiên trì đấu tranh quyết liệt và phối hợp với cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) hỗ trợ, cuối cùng họ mới tuân thủ. Cũng viện dẫn lãnh đạo đi công tác, rồi nêu lý do cán bộ liên quan nhiệm vụ xếp hàng nghỉ ốm, đơn vị đầu mối không chịu hợp tác với tổ kiểm tra đến xác minh, làm rõ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Lại xuất hiện trường hợp người chịu trách nhiệm ghi phiếu xuất hàng không đúng với khối lượng xếp trên xe, hoặc ghi làm nhiều phiếu cho một lần xếp hàng trên một xe để đối phó. Bất chấp hậu quả có thể xảy ra, tài xế, chủ phương tiện sau khi xếp hàng liền đưa xe ra ngoài khu vực đầu mối để sang tải, dồn tải nhằm tiết kiệm chi phí. Ông Trương Văn Sơn cho biết thêm, do không có đủ điều kiện để trang bị cân, ở một số đầu mối có loại hàng rời (đất, cát, muối, clinke…) thường định lượng thông qua thể tích hàng và khối, trọng lượng riêng để quy đổi, xác định khối lượng hàng xếp. Tuy nhiên, vật liệu có khối lượng riêng phụ thuộc nhiều vào độ ẩm, thành phần cấu tạo (cát khô, ướt; đất..) lại tùy thuộc kỹ năng, cảm tính của người vận hành thiết bị xếp hàng. Do vậy, khâu kiểm soát loại hàng rời này rất phức tạp.
Trước bất cập vừa nêu, ngành chức năng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; định kỳ có văn bản gửi đến các đơn vị đầu mối hàng hóa lớn để nhắc nhở không được buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện đúng cam kết đã ký. Rà soát, phân loại đơn vị đầu mối nguồn hàng để phối hợp với các cơ quan quản lý có liên quan xây dựng quy chế phối hợp KSTTX. Chủ động phối hợp Ban Chỉ đạo liên ngành 5425 hỗ trợ, cử lực lượng tham gia. Bám sát, nắm chắc đầy đủ thông tin về tình hình xếp hàng hóa; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đa dạng về hình thức, phù hợp với từng đối tượng.
Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT khẳng định, đơn vị sẽ bố trí cán bộ tham gia KSTTX đảm bảo năng lực chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ để kiểm tra các hoạt động về lưu trữ thông tin xếp hàng trên máy tính, hồ sơ sổ sách kho hàng; chứng từ hàng xuất nhập, vận đơn… “Chúng tôi đã chỉ đạo thanh tra viên phải quyết liệt, kiên trì và linh hoạt trong thực thi công vụ. Khuyến cáo người đứng đầu đơn vị đầu mối nguồn hàng nắm rõ quy định, nếu vi phạm lần 2 sẽ bị xử lý theo các nghị định liên quan và Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT. Đơn vị quản lý, kinh doanh ngoài bị đình chỉ hoạt động 1 - 3 tháng, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước còn bị xử lý bằng hình thức đình chỉ công tác 1 - 3 tháng để kiểm điểm trách nhiệm hoặc bị cách chức. Thời gian tới, Thanh tra Sở GTVT sẽ tham mưu ngành chức năng kiến nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, hậu kiểm việc xếp hàng hóa lên xe của chủ đầu mối theo đúng cam kết đã ký” - ông Võ Quang Lâm nói.
CÔNG TÚ