Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện nay tại nhiều địa phương, cây mai dương đang xâm lấn với diện tích ít nhất 150ha và có xu hướng phát triển một cách nhanh chóng, đặc biệt là ở các bờ kè, bờ kênh, khu vực hồ, bàu, ven sông suối… Ông Nguyễn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, cây mai dương có tên khoa học là Mimosa Pigra. Đây là một loài cây bụi, trên thân cành có rất nhiều gai cứng và được xem là một trong những loài thực vật ngoại lai nguy hiểm, vì nó làm cho đất bị nghèo dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh vật trong vùng do chứa chất độc mimosine. Ngoài ra, cây mai dương còn xâm lấn đất sản xuất, cản trở việc lưu thông, ngăn cản dòng chảy trên các sông suối và kênh mương; đồng thời có thể gây sát thương cho người cũng như gia súc.
Để ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan nhằm giảm thiểu tác hại của cây mai dương trên phạm vi toàn tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam vừa ban hành Văn bản số 27/HD-BVTV hướng dẫn các biện pháp phòng trừ loài thực vật ngoại lai nguy hiểm này. Theo đó, đối với những cây còn nhỏ, cây chưa đến thời kỳ ra hoa, quả hoặc một vài cây mới xuất hiện, chính quyền cơ sở và nhân dân nên nhổ cây mới mọc; cây lớn hơn thì chặt thân, đào gốc, để khô rồi đốt. Đối với cây lớn, những vùng mật độ dày, phủ kín thì chặt sát gốc, sau đó dùng máy cày hoặc cuốc đào sâu, nhặt hết gốc rễ, để khô và đốt sạch. Cần chú ý, phải thu gom những cành đã có quả, không để quả rơi rớt sẽ mọc lại và dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước làm lây lan ra vùng lân cận.
Theo ông Nguyễn Định, ngoài những biện pháp vừa nêu, có thể dùng các loại thuốc như Roundup 480SC, Glyphosan 480SL, Gramaxone 20SL… để diệt khi cây mai dương còn nhỏ, cây lớn hiệu quả diệt không cao. Những loại thuốc này có thể phun lên lá hoặc tưới dưới gốc. Ông Định cũng khuyến cáo rằng, để tăng hiệu quả diệt trừ cần kết hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với phương pháp thủ công như đã đề cập ở phần trên. Tuy nhiên, phải thận trọng khi sử dụng các loại hóa chất đó và hình thức dùng lửa đốt chỉ áp dụng đối với những cây mọc ven đường, cây mọc xa rừng để tránh nguy cơ gây cháy rừng. Đối với những diện tích đất canh tác chưa có kế hoạch sản xuất, nên trồng các loại cỏ hòa thảo có sinh khối lớn như cỏ voi, cỏ mía… để làm thức ăn cho gia súc và tạo thảm thực vật cạnh tranh với cây mai dương.
Ông Định cũng lưu ý, người dân không nên dùng cây mai dương trồng làm hàng rào và trồng che phủ vùng đất trống. Trong đất dưới tán cây mai dương luôn tồn tại một lượng hạt rất lớn, khi có điều kiện thuận lợi về độ ẩm, ánh sáng thì sẽ nẩy mầm và phát triển. Vì vậy, vấn đề diệt cây mai dương nên tiến hành nhiều đợt trong năm và nhiều năm liên tục.
Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam đề nghị, đối với những diện tích đất công cộng, chính quyền các địa phương chủ trì tổ chức công tác diệt trừ cây mai dương. Còn đối với những diện tích đã giao quyền sử dụng, chủ sở hữu đất phải có trách nhiệm diệt trừ triệt để cây mai dương mọc trên phần đất của mình...
MAI LINH