Kiểm soát xe kinh doanh vận tải khách: Cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm

CÔNG TÚ 17/02/2023 08:09

Vụ tai nạn thảm khốc liên quan xe chở khách tại địa bàn xã Tam Hiệp (Núi Thành) khiến 10 người chết một lần nữa cảnh báo hậu quả vi phạm pháp luật về vận tải khách. Để hạn chế xảy ra sự cố tương tự, các cơ quan chức năng cần vào cuộc đồng bộ để kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm.

Thanh tra Sở GTVT kiểm tra xe chở khách tại TP.Hội An. Ảnh: TCT
Thanh tra Sở GTVT kiểm tra xe chở khách tại TP.Hội An. Ảnh: TCT

Xe hợp đồng "trá hình"

Như Báo Quảng Nam đã thông tin, lúc 3 giờ 41 phút ngày 14/2, tại ngã tư đường Võ Chí Công và đường hậu cần cảng Tam Hiệp (xã Tam Hiệp), một vụ va chạm kinh hoàng giữa ô tô khách đến từ Quảng Ngãi hướng ra Đà Nẵng với xe chở container xảy ra khiến 10 người tử vong (trong đó có tài xế xe khách), 11 người khác bị thương.

Xác minh ban đầu, lực lượng chức năng cho biết xe chở khách loại 16 chỗ ngồi nhưng trên xe có 21 người, chạy vào đường cấm và quá tốc độ quy định. Điểm đáng chú ý là xe này kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách theo hợp đồng, đúng quy định phải chở theo hợp đồng, song nhà xe lại “gom” khách lẻ.

Thanh tra Sở GTVT cho biết, từ năm 2022 đến nay đơn vị đã phát hiện, lập biên bản 48 trường hợp vi phạm quy định về KDVT khách, xử phạt hơn 179 triệu đồng. Ngoài ra, qua sử dụng thiết bị camera nghiệp vụ, lực lượng chức năng phát hiện 19 trường hợp đậu đỗ không đúng nơi quy định và đã gửi thông báo đến chủ phương tiện để chấp hành xử phạt.

Tại địa bàn Quảng Nam, đại diện một doanh nghiệp xe buýt phản ánh, xe KDVT khách theo hợp đồng nhưng chở khách lẻ đăng ký qua điện thoại không phải là hiếm.

Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn cho biết một thực tế khác, nhiều người mua sắm ô tô con chở khách nhưng không đăng ký KDVT. Để đối phó lực lượng chức năng, tài xế dặn khách khi gặp lực lượng công an, thanh tra giao thông kiểm tra thì nói đó là người nhà của lái xe, nhờ lái xe chở đi có việc.

Chính vì vậy, Thanh tra Sở GTVT không có cơ sở để xử lý. Kiểu KDVT "trá hình" này còn tránh được nhiều khoản thuế, phí nên cũng tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Đáng chú ý, sau khi các tuyến xe buýt từ Quảng Nam ra Đà Nẵng bị cấm vào nội thành Đà Nẵng, xe nhận đón khách qua điện thoại, trả khách tại nhà gia tăng. Một doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định chia sẻ, kiểu “taxi mù” và “taxi chung” này nở rộ khiến lượng khách xe buýt, xe cố định, kể cả taxi suy giảm rõ rệt.

Cần vào cuộc đồng bộ

Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh và Sở GTVT, thời gian qua, Thanh tra Sở GTVT tổ chức thực hiện các chuyên đề về kiểm tra ô tô KDVT hành khách. Theo đó, lực lượng chức năng tổ chức hội nghị tuyên truyền về quy định pháp luật KDVT khách, đồng thời yêu cầu các đơn vị ký cam kết. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra ô tô khách tại bến xe, bãi đỗ xe, điểm đón trả khách, điểm tham quan du lịch, cảng hàng không…

Thanh tra Sở GTVT sẽ tăng cường kiểm tra xe chở khách tại Cảng hàng không Chu Lai. Ảnh: T.C.T
Thanh tra Sở GTVT sẽ tăng cường kiểm tra xe chở khách tại Cảng hàng không Chu Lai. Ảnh: T.C.T

Nhiều chuyên đề cũng được triển khai, điển hình như kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức vận tải hành khách không phép, xe hợp đồng "trá hình", dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định gây mất trật tự an toàn giao thông tại Cảng hàng không Chu Lai… Trước, trong và sau tết, việc kiểm tra phương tiện chở khách được tăng cường.

Tuy nhiên, tình trạng phương tiện KDVT khách vi phạm quy định vẫn diễn ra phổ biến; xe không đăng ký kinh doanh nhưng vận chuyển khách có thu tiền vẫn diễn ra nhan nhãn.

Ông Trương Văn Sơn chia sẻ, cái khó là thanh tra giao thông không có quyền dừng ô tô vận chuyển khách đang chạy để kiểm tra. Để xử lý vi phạm, đơn vị từng cử người giả dạng hành khách đi xe, đến lúc nhà xe thu tiền thì mới có chứng cứ để lập biên bản. Vậy nhưng, phương án này chỉ tiến hành được vài lần do nhà xe cảnh giác khi đã quen mặt những "hành khách" này.

Thực tế cho thấy, xe vận tải khách không tuân thủ quy định luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, không có bảo hiểm hành khách… Nếu xảy ra tai nạn, hành khách là người phải gánh chịu. Ngoài ra, "xe trá hình", "xe dù" gây bất ổn môi trường kinh doanh, thất thu thuế, làm mất công bằng đối với phương tiện hoạt động đúng pháp luật.

Để kiểm soát, chấn chỉnh thực trạng này, ông Trương Văn Sơn cho biết đơn vị sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xử phạt “nguội”, triển khai các chuyên đề tuần tra kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường phối hợp với Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (thuộc Sở GTVT) để nắm tình hình vận tải khách thông qua thiết bị giám sát hành trình.

Một biện pháp khác là ngành chức năng cử người theo dõi qua thiết bị giám sát hành trình để xem xe nào chạy tuyến cố định nhưng lại mở cửa nhiều lần; xe hợp đồng mà ngày nào cũng lưu thông trên cùng một tuyến đường. Nếu có, chứng tỏ phương tiện đó hoạt động có dấu hiệu bất thường, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra.

Bởi lẽ, xe chạy tuyến cố định trong địa phận Quảng Nam mở cửa nhiều lần thì dễ có chuyện đón, trả khách nhiều nơi; xe hợp đồng mà ngày nào cũng chạy trên một tuyến đường thì thường chở khách như xe tuyến cố định.

Ngoài ra, từ danh sách đơn vị, cá nhân KDVT, ngành chức năng cấp tỉnh cung cấp, công an cấp huyện phải nắm bắt để quản lý, thường xuyên giám sát và xử lý vi phạm ngay từ gốc. Chỉ khi có sự vào cuộc đồng bộ, đầy trách nhiệm từ tỉnh đến cơ sở thì tình trạng vi phạm điều kiện KDVT khách mới mong được kiểm soát, chấn chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát xe kinh doanh vận tải khách: Cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO