Kiểm soát xe trá hình

CÔNG TÚ 17/09/2019 11:57

Xe trá hình gây rối loạn vận tải hành khách từng được cảnh báo rất nhiều lần. Tuy nhiên, việc kiểm soát và xử lý căn cơ thực trạng vừa nêu vẫn chưa tìm ra “thuốc đặc trị”.     

Nhiều xe đậu đỗ vô tội vạ trên đường phố Hội An. (Ảnh do CTV cung cấp)
Nhiều xe đậu đỗ vô tội vạ trên đường phố Hội An. (Ảnh do CTV cung cấp)

Đa dạng kiểu trá hình

“Tổ kiểm tra liên ngành kinh doanh vận tải khách bằng ô tô do UBND tỉnh thành lập đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Tại các địa phương như Duy Xuyên, Điện Bàn và Hội An, lực lượng liên ngành phát hiện, xử lý 56 trường hợp vi phạm, xử phạt gần 189 triệu đồng” - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 (Thanh tra Sở GTVT), ông Nguyễn Hồng Hải thông tin. Thuộc danh sách này, nhiều chủ phương tiện bao biện rằng xe mình chạy hợp đồng, nhưng lại không thấy dán phù hiệu theo quy định. Có trường hợp, nhà xe khẳng định mình kinh doanh vận chuyển khách theo hợp đồng nhưng lại không xuất trình được danh sách hành khách... Trước đó, Đội trưởng Đội Thanh tra hành chính (Thanh tra Sở GTVT) - ông Thái Minh Hoàng cho hay, tổ liên ngành kiểm tra 21 điểm bán vé xe khách trên địa bàn tỉnh và phát hiện tất cả chưa làm thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định. Một số điểm đã đăng ký kinh doanh song lại không có ngành nghề về dịch vụ hỗ trợ vận tải (đại lý bán vé) và cũng “quên” đăng ký thuế.

Sau khi nhận được văn bản kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, ngày 4.9, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký Văn bản số 8356/BGTVT-VT gửi UBND tỉnh và Công ty TNHH Grab về chấn chỉnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng và xe taxi trên địa bàn Quảng Nam. Theo đó, Công ty TNHH Grab phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của pháp luật hiện hành; không được triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (hợp đồng điện tử) tại Quảng Nam (không nằm trong 5 địa phương thực hiện thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT). Bộ GTVT cũng yêu cầu Grab không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và phối hợp quản lý của Sở GTVT Quảng Nam.

Doanh nghiệp (DN) hoạt động lĩnh vực này cho hay, họ đau đầu trước việc xe trá hình hoạt động ngày càng tinh vi. Điển hình là “xe dù” kinh doanh vận tải nhưng không vào các bến bãi hoặc không đăng ký kinh doanh, hoặc núp dưới loại hình kinh doanh này (du lịch, hợp đồng) để hoạt động loại hình kinh doanh khác (tuyến cố định). Dẫu chưa được cấp phép, hàng trăm phương tiện vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng điện tử (Grab) vẫn chờ đón, mồi chài khách, đặc biệt tại Hội An. Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam - ông Nguyễn Đức Hạnh đơn cử kiểu làm ăn “chụp giật” khác, đó là sự biến tướng của xe tuyến cố định. Lẽ ra, xe chạy tuyến cố định phải về bến, nhưng tài xế cố tình chạy vào nội thị, tùy tiện dừng đỗ trước các trạm dừng đón xe buýt thuộc Tam Kỳ để bắt khách. Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ cũng từng cầu cứu cơ quan chức năng can thiệp nhằm lập lại trật tự trên tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Bắc Trà My, khi cố tình đi chậm vào nội thị Trà My (Bắc Trà My) và Tiên Kỳ (Tiên Phước) gom hết khách đang chờ xe buýt đi sau đó khoảng 5 phút.  

Thiếu “thuốc đặc trị”

Việc kiểm soát “xe dù” chưa rốt ráo dẫn đến sự mất bình đẳng trong kinh doanh, trật tự vận tải bị rối loạn, thất thu thuế và mất an toàn giao thông. Không phải đóng thuế và đóng phí ra vào bến, nên giá cả được chủ “xe dù” tự ấn định và rất linh hoạt theo thị trường khiến taxi, xe buýt, xe tuyến cố định điêu đứng. Chẳng hạn, lúc ít khách thì họ lấy giá rẻ hơn xe trong bến, lúc khách đông như dịp lễ, tết lại tăng giá cao hơn nhiều... Nhận rõ thực trạng nhức nhối này, cơ quan chức năng đã thường xuyên ra quân, kể cả triển khai nhiều đợt cao điểm chuyên đề. Tuy nhiên, do chưa tìm ra được “thuốc đặc trị”, nhất là về khung pháp lý nên khó giải quyết tận gốc của vấn đề.     

Tại hội nghị đối thoại DN do tỉnh tổ chức vào tháng 6 cũng như Đại hội Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2019-2024) diễn ra trong tháng 7.2019, ông Nguyễn Ngọc Ngân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Hội An đều phản ánh bất cập trong quản lý, xử lý “xe dù”, xe Grab khiến taxi rất chật vật để tồn tại. Ông Ngân lý giải, dịch vụ taxi bị ràng buộc bởi Nghị định số 86 và phải tuân thủ hàng loạt quy định. Ngược lại, xe Grab chỉ được đón khách qua phần mềm nhưng cố tình tranh giành, đón khách như taxi. Xe Grab cạnh tranh thiếu lành mạnh nhờ giá biến động từng ngày, từng giờ (taxi bắt buộc phải niêm yết giá cố định - PV). Thực tế vừa nêu diễn ra nhức nhối tại Hội An với hàng trăm phương tiện hoạt động. Trong khi Bộ GTVT chưa cho thí điểm tại Quảng Nam, tài xế xe Grab ngang nhiên đậu đỗ trên vỉa hè, lòng đường, đi vào đường cấm gây ùn ứ lưu thông, mất an toàn cho du khách và người dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát xe trá hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO