Kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông: Đẩy mạnh phối hợp liên ngành

CÔNG TÚ 08/03/2023 07:56

Muốn kiểm soát bao quát và khép kín, xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, việc phối hợp ra quân liên ngành giữa các lực lượng liên quan cần được tiến hành thực hiện nhiều hơn nữa.

Tổ liên ngành cấp tỉnh đi thực tế, kiểm tra tại bến Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh: CT
Tổ liên ngành cấp tỉnh đi thực tế, kiểm tra tại bến Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh: CT

Thiếu hiệu quả

Thanh tra viên của Thanh tra Sở GTVT từng chia sẻ, việc triển khai nghiệp vụ đối với xe chở khách đang lưu thông trên đường gặp khó khăn, bởi lẽ đơn vị không có chức năng dừng xe để kiểm tra về thực hiện quy định hoạt động chở khách.

Còn một chiến sĩ cảnh sát giao thông cấp huyện thì kể, cán bộ chiến sĩ đang tuần tra trên tuyến tỉnh lộ phát hiện xe tải chở vật liệu có dấu hiệu quá tải. Khi lực lượng chức năng đuổi theo gần kịp, tài xế đã điều khiển xe chạy ra quốc lộ vốn không thuộc thẩm quyền được kiểm soát, xử lý của đội. Nếu thời điểm đó, có sự phối hợp của cảnh sát giao thông cấp tỉnh thì sẽ không bị lọt đối tượng vi phạm.

Cũng tại cấp huyện, một cảnh sát giao thông cho hay, việc kiểm soát, xử lý xe chở quá tải trọng cho phép lưu thông gặp trở ngại do chưa được trang bị cân xách tay nên chỉ có thể kiểm tra, xử phạt bằng cách thủ công.

Đối với đường thủy nội địa, Thanh tra Sở GTVT yêu cầu dừng lại để kiểm tra chỉ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm rõ ràng như chở quá số lượng hành khách, hành khách không mặc áo phao, chở quá vạch mớn nước đã kẻ. Phương tiện chuyên dụng hiện đại tuần tra trên sông nước chưa trang bị cũng là trở ngại đáng kể cho thanh tra viên thực thi công vụ.

Không thể phủ nhận nỗ lực của các lực lượng chức năng trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường thủy nội địa. Tuy nhiên, nhân lực mỏng và trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ còn thiếu, do vậy việc thực thi công vụ không đảm bảo thường xuyên liên tục, thiếu sự khép kín.

Thế nên, có trường hợp bỏ lọt đối tượng vi phạm hoặc đơn vị tuần tra trực tiếp không đủ thẩm quyền yêu cầu chủ phương tiện, tài xế, tài công tuân thủ. Thanh tra Sở GTVT đặt Trạm kiểm soát tải trọng xe hiện diện cố định trên quốc lộ 14B, đoạn qua địa bàn xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) thì lái xe điều khiển phương tiện lưu thông trên những tuyến đường khác để xuôi ra Đà Nẵng, hoặc lên hướng Nam Giang, các tỉnh Tây Nguyên.

Phối hợp liên ngành để xử lý

Để khắc phục hạn chế do từng lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát mỗi kiểu, làm riêng lẻ không đảm bảo khép kín trên đường hay địa bàn dân cư, những năm gần đây, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác liên ngành xử lý vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá kích thước thành, thùng xe; xử lý vi phạm quy định trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Các thành viên Tổ liên ngành cấp tỉnh về đường thủy nội địa trao đổi công việc trên hiện trường kiểm tra. Ảnh: C.T
Các thành viên Tổ liên ngành cấp tỉnh về đường thủy nội địa trao đổi công việc trên hiện trường kiểm tra. Ảnh: C.T

Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn cho biết, năm 2022, Sở GTVT đã triển khai thực hiện 2 đợt phối hợp kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa. Gần đây nhất vào tháng 6/2022, Tổ kiểm tra liên ngành cấp tỉnh được thành lập gồm Thanh tra Sở GTVT, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT), Chi cục Đăng kiểm 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam, lực lượng biên phòng tỉnh, công an cấp huyện, cán bộ thuộc phòng chuyên môn của UBND cấp huyện. Năm 2021, tình trạng xe chở quá tải trọng dần lắng xuống khi Tổ liên ngành cấp tỉnh hình thành, bất ngờ tuần tra lưu động và xử lý quyết liệt đối tượng vi phạm.

Đối với đường bộ và đường thủy nội địa, tổ liên ngành đã kết hợp trong quá trình kiểm tra với công tác tuyên tuyền, phổ biến các quy định pháp luật bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng.

Chẳng hạn với đường thủy nội địa, các thành viên tuyên truyền, hướng dẫn chủ phương tiện, chủ bến khách, người tham gia giao thông về trang bị và cách sử dụng áo phao, dụng cụ cứu sinh; vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.

Trường hợp thuyền viên, người lái có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn chưa phù hợp thì được giải thích, đề nghị chuyển đổi hoặc học, thi để được cấp bằng.

Tổ liên ngành còn yêu cầu chủ mỏ cát, chủ bến thủy nội địa ký cam kết chấp hành quy định về trọng tải (về xếp hàng, vận chuyển) của phương tiện thủy nội địa, phương tiện cơ giới đường bộ; chủ bến khách ngang sông, bến hành khách ký cam kết không cho phương tiện chưa đủ các điều kiện hoạt động tại bến…

Theo ông Lê Quang Hiếu - Phó Giám đốc Sở GTVT, các tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa đã khắc phục khó khăn; từng thành viên làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy trình công tác và đảm bảo tiến độ công việc. Kết quả đạt được trong năm 2022 càng khẳng định rõ nét hiệu quả công tác phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự ATGT nói chung, đường thủy nội địa nói riêng.

Có thể khẳng định, công tác phối hợp liên ngành giữa các đơn vị liên quan là yêu cầu khách quan trong nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT; đồng thời các cơ quan đã hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành đạt hiệu quả cao hơn; nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết được những vướng mắc nảy sinh trong thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông: Đẩy mạnh phối hợp liên ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO