Tại cuộc họp của UBND tỉnh mới đây, Sở Xây dựng đã đề xuất đóng cửa nhiều nhà máy gạch tuynel nếu đến cuối năm 2017 không cung cấp đủ hồ sơ pháp lý về nguồn nguyên liệu hợp pháp.
Các nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn tỉnh phải chứng minh được nguồn nguyên liệu, nếu không buộc phải dừng hoạt động. Ảnh: H.PHÚC |
Nguyên liệu không hợp pháp
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, Sở Xây dựng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra làm rõ nguồn gốc nguyên liệu, nhu cầu của 28 nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, hầu hết nhà máy, cơ sở sản xuất có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ngành nghề đăng ký hoạt động phù hợp, có hợp đồng thuê đất, có hồ sơ môi trường đã được UBND cấp huyện xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện chứng nhận hợp quy sản phẩm vật liệu xây dựng theo quy định. Ngoài các nhà máy có nguồn nguyên liệu dự trữ còn nhiều và được UBND tỉnh thống nhất cho phép khai thác mỏ, 15 nhà máy nguồn nguyên liệu dự trữ sẽ được sử dụng đến hết năm 2017, đang xúc tiến việc tìm nguồn bổ sung.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, toàn tỉnh quy hoạch 76 mỏ khoáng sản sét gạch, ngói; trong đó Đại Lộc 26 mỏ, Quế Sơn 29, Thăng Bình 14, Duy Xuyên 5, Núi Thành 2. Đáng chú ý, thị xã Điện Bàn không có quy hoạch mỏ đất sét gạch, ngói nhưng hiện tại trên địa bàn thị xã lại có đến 7 nhà máy sản xuất gạch tuynel. |
Tuy nhiên, một số nhà máy chưa chứng minh được nguồn nguyên liệu rõ ràng, hợp pháp. Tại huyện Đại Lộc, trong số 8 nhà máy thì có Công ty CP Đại Hưng hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào từ Công ty TNHH Kim Toàn được xác định là không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, cả 2 đơn vị sản xuất gạch trên địa bàn huyện Núi Thành là Công ty TNHH Gạch cổ Bát Tràng và Chi nhánh Công ty TNHH MTV Tâm Thu cho biết mua đất từ các đơn vị của tỉnh Quảng Ngãi song không có hồ sơ pháp lý. Ở huyện Duy Xuyên, 4 đơn vị là Công ty Gia Phú, Bàn Sơn, Gạch gốm Kiểm Lâm và Gốm sứ La Tháp qua kiểm tra của Sở Xây dựng cũng không chứng minh được nguồn nguyên liệu hợp pháp. Đáng chú ý, ba trong 4 đơn vị này mua đất qua hợp đồng cải tạo đất sản xuất với UBND xã Duy Phú và Duy Hòa (Duy Xuyên) là không đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường cho rằng, trong khi hàng năm tỉnh cấp giấy phép khai thác 300.000m3 đất sét để làm nguyên liệu thì nhu cầu của các doanh nghiệp lên đến gần 570.000m3, cho thấy một con số rất lớn nguyên liệu không được quản lý, bị khai thác trái phép. Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, “đồng ruộng từ bao đời nay là bờ xôi ruộng mật của người dân nhưng thời gian qua có tình trạng người dân tự ý bán đất cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Nguyên nhân vì giá cao, gây thiệt hại đến sản xuất, thất thoát tài nguyên cũng như Nhà nước thất thoát nguồn thu”.
Kiên quyết đóng cửa
Qua kiểm tra tình hình hoạt động và nguồn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh sẽ đóng cửa các nhà máy nếu đến cuối năm 2017 không cung cấp đủ hồ sơ pháp lý về nguồn nguyên liệu hợp pháp. Trong số này, hầu hết là các nhà máy sẽ cạn nguồn nguyên liệu dự trữ vào tháng 12.2017, bao gồm Công ty TNHH Tân Phước, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp, Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đại Hiệp ở huyện Đại Lộc; Công ty TNHH Gạch cổ Bát Tràng và Chi nhánh Công ty TNHH MTV Tâm Thu ở huyện Núi Thành; Công ty Bàn Sơn, Gạch gốm Kiểm Lâm, Gốm sứ La Tháp ở huyện Duy Xuyên; Xí nghiệp sản xuất gạch Bình Nguyên ở huyện Thăng Bình; Xí nghiệp gạch tuynel Lai Nghi ở thị xã Điện Bàn… Riêng đối với Công ty Gia Phú (Duy Xuyên), hiện nay nguồn dự trữ của đơn vị dự kiến hoạt động đến hết năm 2019. Tuy nhiên, trong số 25.000m3 chỉ có 3.000m3 có nguồn gốc hợp pháp sẽ giao cho UBND huyện Duy Xuyên tiếp tục xác minh. Nếu không chứng minh được nguồn gốc đất hợp pháp buộc nhà máy phải dừng hoạt động kể từ ngày 1.1.2018 sau khi hết 3.000m3 nguyên liệu hợp pháp.
Tạo điều thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, song chủ trương của tỉnh là xử lý kiên quyết đối với những sai phạm. Điều đó thể hiện ở Chỉ thị số 17 (ngày 18.5.2016) của UBND tỉnh về việc triển khai các giải pháp, nhiệm vụ tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc với các sở, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố mới đây, một lần nữa Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn. Những nhà máy nào không chứng minh được nguồn nguyên liệu rõ ràng, hợp pháp hoặc không có mỏ đất sét để khai thác làm đầu vào nguyên liệu phải kiên quyết đóng cửa. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước ngay từ việc cấp phép, nguồn nguyên liệu đến sản xuất, vận chuyển. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cũng chỉ đạo trong thời gian tới thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các đơn vị sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
XUÂN PHÚ