Kiên cố hóa đường huyện: Tháo "điểm nghẽn" lưu thông

CÔNG TÚ 19/12/2017 13:38

Sau 3 năm thực hiện kiên cố hóa mặt đường huyện (ĐH), nhiều “điểm nghẽn” kết nối mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) với quốc lộ (QL) và tỉnh lộ (ĐT) được khơi thông. Nhưng muốn đạt mục tiêu đề án đề ra, địa phương hưởng lợi trực tiếp còn phải làm nhiều việc.

Đề án kiên cố hóa ĐH đã tháo “điểm nghẽn” đến trung tâm huyện. Ảnh: C.TÚ
Đề án kiên cố hóa ĐH đã tháo “điểm nghẽn” đến trung tâm huyện. Ảnh: C.TÚ

Tháo “điểm nghẽn”

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2009, ĐH là đường nối trung tâm hành chính cấp huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc nối huyện lỵ của địa phương lân cận với nhau. Như vậy, các tuyến ĐH đóng vai trò quan trọng trong huyết mạch giao thông vận tải (GTVT), kết nối mạng lưới GTNT với QL, ĐT. Tuy nhiên vài năm gần đây, hệ thống ĐH trên địa bàn tỉnh mới được nhà nước quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn lực, tập trung cho đường đến trung tâm xã miền núi. Còn tại đồng bằng và trung du, nhiều tuyến bị hư hỏng, mặt đường xuống cấp chưa được sửa chữa, nâng cấp. Có thể khẳng định, kiên cố hóa bề mặt các tuyến ĐH trở thành nhu cầu bức thiết cần giải quyết để tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn. “Nhân dân khu vực nông thôn có điều kiện tiếp cận với hệ thống đường ĐT, QL. Từ đây, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phục vụ cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” - ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Kế hoạch-tài chính (Sở GTVT) nói.

Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIII năm 2014, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 134/2014/NQ-HĐND về “Đề án kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 -  2020”. Mục tiêu nhằm cải thiện hạ tầng giao thông khu vực nông thôn, tạo điều kiện để tiếp cận trung tâm xã, cụm xã một cách thuận lợi. Năm đầu tiên thực hiện, toàn tỉnh xây dựng được 21,2km mặt đường; trong đó bề mặt rộng 3,5m chiếm 8,86km, rộng 5,5m là 11,2km và rộng 7,5m là 1,15km. Tổng giá trị thực hiện là 85,75 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 48,04 tỷ đồng). Ông Võ Công Phúc cho hay, sau 3 năm triển khai đề án, các địa phương đã xây dựng 162,0km mặt đường (đạt 51% khối lượng so với kế hoạch đề án). Trong đó, mặt đường rộng 3,5m là 86,7km, mặt đường 5,5m chiếm 67,7km, mặt đường 7,5m là 7,6km và xây dựng hoàn thành cầu bán vĩnh cửu Cẩm Kim (Hội An). Tổng kinh phí đầu tư xây dựng là 508,26 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 283,88 tỷ đồng, địa phương đối ứng 224,38 tỷ đồng). Phân theo khu vực, miền núi làm tổng cộng 80km, tổng kinh phí 226,2 tỷ đồng (tỉnh hỗ trợ 148,1 tỷ đồng); chiều dài ở đồng bằng 82km, tổng kinh phí 282,06 tỷ đồng (địa phương đối ứng 146,8 tỷ đồng).

Còn nhiều việc phải làm

Năm 2018, toàn tỉnh dự kiến kiên cố hóa 60,0km mặt đường ĐH. Trong đó, mặt đường rộng 3,5m chiếm 30,8km; rộng 5,5m là 29,2km. Tổng kinh phí cần huy động là 176 tỷ đồng, bao gồm ngân sách tỉnh hỗ trợ 121,3 tỷ đồng, ngân sách huyện đối ứng là 54,7 tỷ đồng. Phân theo khu vực, miền núi chiếm 28,8km, kinh phí 78,45 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 62,76 tỷ đồng); đồng bằng 31,2km, kinh phí 97,6 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 58,6 tỷ đồng).

Đánh giá chung của ngành chức năng cho biết, các huyện khi thực hiện đề án đã tuân thủ theo quy chế quy định. Những tuyến đường được xây dựng đảm bảo chất lượng, tiết kiệm được chi phí, cải thiện rõ rệt điều kiện đi lại. Nhiều huyện mạnh dạn mở rộng mặt đường lên 9,5m, nhờ vậy mà các khu đông dân cư được chỉnh trang, tạo cơ hội khai thác quỹ đất, bố trí dân cư... Tuy nhiên, việc lựa chọn danh mục và quy mô của các địa phương vẫn chưa chuẩn xác dù UBND tỉnh đã chỉ đạo, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Ở một số địa phương, tiến độ triển khai thi công chậm so với kế hoạch, kéo rê đến tháng 12 hàng năm mới hoàn thành. Do địa phương bố trí nguồn đối ứng chưa kịp thời, kéo theo công trình đã quyết toán vẫn không có nguồn để thanh toán, nguy cơ dẫn đến nợ xây dựng cơ bản rất cao. Cùng với đó, các huyện không thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ theo quy định nên khâu quản lý, điều hành của ngành chức năng gặp trở ngại.

Để tiếp tục triển khai đề án đạt mục tiêu đề ra, Sở GTVT đề nghị các địa phương tuân thủ theo quyết định của UBND tỉnh về danh mục công trình. Trường hợp điều chỉnh, UBND các huyện, thị xã phải trình cấp có thẩm quyền chấp thuận càng sớm càng tốt và phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND. Liên quan đến nguồn vốn, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cho biết, sau khi UBND tỉnh đã phân bổ đủ kinh phí, các địa phương phải bố trí đối ứng cho công trình theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5104/UBND-TH ngày 17.10.2016. Mọi thủ tục chuẩn bị đầu tư hoàn thành trước tháng 5, trong tháng 6.2018 bắt đầu khởi công xây dựng. Về trình tự triển khai, ngoài các bước theo Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND, địa phương cần phải thực hiện bước thẩm định nguồn vốn theo cơ chế chỉ đạo điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của UBND tỉnh. Đối với chế độ, chính sách liên quan, cấp huyện thực hiện đúng các nội dung đã được UBND tỉnh ban hành, tuân thủ nghiêm túc việc tiết kiệm kinh phí đầu tư (không tính chi phí chung đối với xi măng).

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận đến các trung tâm xã, cụm xã; Sở GTVT vừa qua đã kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, bổ sung khối lượng và hỗ trợ kinh phí cho UBND các huyện Nam Giang và Tây Giang đầu tư các tuyến ĐH4.NG, ĐH4.TG theo cơ chế của đề án. Chiều dài cần triển khai dài 17,5km (ĐH4.NG chiếm 7km, ĐH4.TG là 10,5km), mặt bê tông xi măng rộng 3,5m, tổng kinh phí dự kiến 38,85 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 31,08 tỷ đồng). Sở GTVT cũng đề nghị HĐND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã bố trí kinh phí đối ứng hàng năm cho các công trình, nhất là công trình đã hoàn thành quyết toán. Có như vậy, nguồn vốn thanh toán mới đảm bảo, không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiên cố hóa đường huyện: Tháo "điểm nghẽn" lưu thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO