Kiến nghị cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư chương trình nông thôn mới

DIỄM PHÚC 24/07/2021 11:21

(QNO) - Chiều 23.7, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 23.7. Ảnh: D.P

Theo tờ trình của Chính phủ về chương trình giảm nghèo bền vững, mục tiêu đến năm 2025 cả nước giảm 1/2 số hộ nghèo, cận nghèo; phấn đấu 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình 75 nghìn tỷ đồng. Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có ít nhất 80% số xã; 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Tham gia phát biểu thảo luận về chương trình xây dựng nông thôn mới, đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đánh giá cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Điều này cho thấy sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc đề ra các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đại biểu Lê Văn Dũng, trong thời gian đến, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới dự báo gặp nhiều khó khăn do các địa phương có điều kiện thuận lợi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn trước. Với quan điểm nguồn lực đầu tư của Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo và không đầu tư trực tiếp cho người nghèo, đại biểu Lê Văn Dũng kiến nghị nên cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư cho chương trình này theo hướng ngân sách nhà nước 50%; vốn tín dụng 30%; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác 15%; huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 5%.

Đồng thời cần bố trí đủ nguồn lực và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ngay sau khi các chương trình này được Quốc hội thông qua; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho các địa phương; tiếp tục cho các xã khu vực II, khu vực III khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách như xã khu vực III từ 3 - 5 năm.

Từ thực tiễn Quảng Nam, mặc dù là tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương nhưng quy mô nguồn thu còn nhỏ, thiếu bền vững, có hơn 50% đơn vị hành chính cấp huyện là miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung cả nước, đặc biệt những thiệt hại về thiên tai, bão lũ trong những năm qua phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Do vậy, đại biểu Lê Văn Dũng kiến nghị Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ ngân sách để Quảng Nam thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và xem xét bỏ nguyên tắc “Không hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương” trong dự thảo Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 vào ngày 31.7.2021.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiến nghị cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư chương trình nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO