(QNO) - Sáng 26.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Tham gia góp ý kiến về dự thảo này, đại biểu Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đánh giá cao tinh thần cầu thị của Chính phủ trong việc tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung trong dự thảo luật so với dự thảo ban đầu.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng góp ý tại phiên thảo luận. |
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng thống nhất quan điểm của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về phạm vi sửa đổi, bổ sung là phải trên cơ sở rà soát hết những sai sót, bất cập của Bộ luật Hình sự năm 2015 để chỉnh sửa nhưng không làm thay đổi những chính sách lớn mà Quốc hội đã thông qua. Đại biểu đề nghị không thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 tại Kỳ họp này mà lùi lại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV để Chính phủ có thời gian tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Việc xác định hàm lượng ma túy từ Điều 248 đến Điều 252, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung và thiết kế một khoản quy định việc giám định hàm lượng của các chất ma túy và liệt kê 5 trường hợp phải giám định hàm lượng tại Khoản 6, Điều 249, theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng quy định như trên có những bất cập, cụ thể như sau:
Thứ nhất, không nêu rõ hàm lượng cần giám định là hàm lượng gì, thực tế việc giám định các chất ma túy đều nhằm xác định hàm lượng moóc-phin.
Thứ hai, đối với tội sản xuất trái phép chất ma túy tại Điều 248 không thể có việc sản xuất xái thuốc phiện, vì xái thuốc phiện là chất thải thuốc phiện sau khi sử dụng thuốc phiện. Khi sản xuất ma túy người ta chỉ sản xuất ở các thể định tính như thể rắn, thể lỏng, còn việc hòa tan, pha loãng đó là quá trình sử dụng, nên việc quy định như trong dự thảo luật là không phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, việc quy định hàm lượng moóc-phin chỉ trong những trường hợp trên sẽ dẫn đến sự không công bằng trong chính sách hình sự, dẫn đến không nhất quán trong một điều luật. Một người phạm tội có khối lượng ma túy ở khung hình phạt 20 năm tù trở lên (mua bán từ 100g heroin) sau khi giám định hàm lượng moóc-phin thì chắc chắn khối lượng sẽ giảm, vì thực tế không có loại ma túy tự nhiên hay tổng hợp nào có 100% hàm lượng moóc-phin và thường chỉ ở mức nồng độ moóc-phin gây ra ảo giác. Khi đó khối lượng chỉ còn ở mức phạm vào Khoản 1, Khoản 2 hình phạt nhẹ hơn người phạm tội với khối lượng thuộc Khoản 3 (30g - dưới 100g heroin), gây bất cập trong áp dụng đường lối xử lý.
Thứ tư, các vụ án ma túy lớn đã từng bị phát hiện, xử lý thì chủ yếu là truy xét, tang vật thu được không nhiều, nếu yêu cầu giám định hàm lượng moóc-phin thì không có tang vật để giám định, những vụ án này có bị truy tố, xét xử không?
Thứ năm, cơ sở vật chất phục vụ giám định của nước ta chưa đáp ứng để có thể giám định trong mọi trường hợp vì mới chỉ có Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an thực hiện việc giám định này, trong việc đấu tranh tội phạm ma túy yêu cầu khẩn trương, nên nếu yêu cầu giám định hàm lượng thì sẽ không kịp thời gian để áp dụng biện pháp giam, giữ (khi bắt quả tang chỉ được tạm giữ 3 ngày). Bên cạnh đó, một số nước cũng không quy định giám định hàm lượng, do đó, đại biểu đề nghị không nên quy định giám định hàm lượng trong các Điều từ 248 đến 252.
Về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam giữ người trái pháp luật tại Điều 377, Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng, việc đưa vào Bộ luật Hình sự tội danh này nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm quyền tự do thân thể của con người là cần thiết. Tuy nhiên, quy định như trong dự thảo là quá nghiêm khắc, những người tiến hành tố tụng rất dễ mắc phải. Mặc dù điều luật có quy định yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhưng khi xảy ra việc giam, giữ quá hạn, khi đó việc chứng minh không lợi dụng chức vụ, quyền hạn là rất khó. Đại biểu đề nghị cần thu hẹp phạm vi xử lý hình sự bằng cách thêm điều kiện đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng đề nghị không nên bỏ quy định Điều 292 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; giữ nguyên quy định trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999.
DIỄM PHÚC