(QNO) - Từ thực tiễn các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại tại miền Trung - Tây Nguyên, nhiều giải pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đã được nhiều đại biểu kiến nghị, đề xuất.
Ngày 24/5, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) cấp cao tại Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Từ thực tiễn kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại liên quan đến hoạt động tín dụng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 - 2024, kiến nghị những biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm”.
Theo Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng, từ thực tiễn các vụ việc tại miền Trung - Tây Nguyên, một số hành vi vi phạm, phạm tội phổ biến như lạm dụng chức vụ, quyền hạn, thực hiện các công việc không được giao, lập hồ sơ khống, nâng khống số tiền vay; làm giả chữ ký của khách hàng để lập ủy nhiệm chi chuyển khoản. Nhiều đối tượng phạm tội lại là lãnh đạo, cán bộ của chính các tổ chức tín dụng.
Đối với các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng rất phức tạp, đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Pháp luật về cho vay chưa đồng bộ trong quy định về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; pháp lý đối với tài sản bảo đảm chưa chặt chẽ, quy trình thẩm định tài sản cho vay chưa thống nhất...
Các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm về ngân hàng như các tổ chức tín dụng cần giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn của người vay, có cơ chế kiểm soát vốn vay, thẩm định tài sản bảo đảm sát với giá trị thực tế. Cần hoàn thiện hành lang pháp lý phòng ngừa tội phạm ngân hàng, sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng...