Nhằm chuẩn bị nội dung tham gia kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng qua 8.9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri theo đối tượng với cử tri là cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) và Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng cùng các ĐBQH Phan Thái Bình, Dương Văn Phước, Đặng Thị Bảo Trinh dự và chủ trì hội nghị. Các ĐBQH tỉnh Quảng Nam đang công tác tại Hà Nội, do điều kiện dịch bệnh Covid-19 nên không tham dự hội nghị.
TNXP mòn mỏi chờ chế độ
Đây là hội nghị tiếp xúc cử tri đặc biệt, khi lần đầu tiên Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri theo đối tượng riêng là cán bộ, hội viên CCB và cựu TNXP. Tại hội nghị đã ghi nhận 8 ý kiến phát biểu trực tiếp cùng nhiều ý kiến gửi bằng văn bản đến Đoàn ĐBQH tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh trả lời các vấn đề mà cử tri nêu tại hội nghị.
Trong đó, với nhóm ý kiến về chế độ chính sách cho CCB, cựu TNXP, đồng chí Lê Văn Dũng cho biết, ngày 24.7.2021 - trước Ngày Thương binh - liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 75 về chế độ chính sách cho người có công, trong đó nhiều chế độ chính sách được nâng lên.
Điều đó cho thấy Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đến đối tượng này. Tuy nhiên, Nghị định 75 cũng như nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã ban hành vẫn không thể phủ hết thực trạng cuộc sống.
Do đó, Đoàn ĐBQH ghi nhận các ý kiến kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc cử tri liên quan đến chế độ chính sách để tiếp tục có ý kiến với trung ương, ví dụ như chế độ cho TNXP sau năm 1975, việc công nhận TNXP là đối tượng người có công, Nghị định 62 đối với CCB tham gia ở chiến trường B,C,K...
Các ý kiến xoay quanh những vấn đề về tăng cường đấu tranh, bảo vệ lãnh thổ trên biển trước những hành động mới, phức tạp của Trung Quốc trên Biển Đông; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, quản lý đất đai, phòng chống dịch bệnh Covid-19; bất cập trong sáp nhập hội...
Đặc biệt, vấn đề chế độ, chính sách cho CCB và cựu TNXP nhận được phần lớn ý kiến tại hội nghị, trong đó cử tri nêu bức xúc khi nhiều nội dung được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm giải quyết.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh đặt câu hỏi và đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xác định, trả lời việc: TNXP tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm có phải là đối tượng người có công hay không?
“Vấn đề này được kiến nghị rất nhiều lần nhưng đến nay TNXP tham gia kháng chiến vẫn chưa được công nhận là người có công. Việc đó khiến cho tôi và nhiều cán bộ, hội viên cựu TNXP cảm thấy không công bằng, thiệt thòi” - ông Bảo nhấn mạnh.
Ông Bảo và một số cựu TNXP cho rằng, việc chưa được công nhận là đối tượng người có công, là một trong những nguyên nhân tồn đọng chế độ chính sách đối với TNXP tham gia kháng chiến, trong đó có chế độ thương binh - liệt sĩ.
“Cựu TNXP phần lớn tuổi già, sức yếu, bệnh tật. Họ sống không còn bao lâu nữa. Do đó, cần phải quy định thời gian thực hiện các chế độ chính sách cho cựu TNXP sớm và dứt điểm” - ông Bảo nói.
Ông Bùi Phan Toản - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh xem xét 4 vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho cựu TNXP, gồm: thù lao cho cán bộ Hội cựu TNXP nhiều bất cập; chế độ bảo hiểm y tế cho cựu TNXP, trước được hưởng 100%, nay phải cùng chi trả 20%; cựu TNXP tham gia làm kinh tế sau năm 1975 đến nay chưa có chế độ gì; vấn đề cựu TNXP hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, nay già yếu, không nơi nương tựa thì chuyển qua hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi…
Hội Cựu TNXP cũng kiến nghị về việc hợp nhất, sáp nhập, tinh gọn bộ máy với tổ chức hội, trong đó có Hội Cựu TNXP còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong hoạt động.
Đề nghị sửa đổi luật đất đai
Cử tri phát biểu tại hội nghị bày tỏ phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, cử tri là cán bộ, hội viên CCB, cựu TNXP cũng lo lắng, băn khoăn trước sự phát triển của đất nước, địa phương và đời sống nhân dân.
Ông Ngô Trọng Khánh - Phó Chủ tịch Hội CCB TP.Tam Kỳ nêu thực trạng về quản lý đất đai còn lỏng lẻo gây thất thoát tài sản của Nhà nước và Nhân dân, làm mất cán bộ của Đảng, mất lòng tin Nhân dân.
“Vì sao Luật Đất đai đã được sửa đổi, bổ sung nhưng thời gian qua vẫn xảy ra liên tiếp các vụ việc thất thoát hàng ngàn tỷ đồng? Vì sao trong bồi thường giải phóng mặt bằng, người đồng ý bàn giao trước lại thiệt hơn người chây ì?” - ông Khánh đặt câu hỏi, đồng thời kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2013 để tăng cường quản lý chặt đất đai.
Cũng liên quan đến đất đai, ông Phan Đình Thông - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh nêu thực trạng người dân trực tiếp làm giấy tờ về đất đai thì khó khăn, mất thời gian nhưng thông qua “cò” thì rất nhanh. Như vậy liệu có sự móc nối của cán bộ nhà nước?
Ông Thông cũng nêu thực trạng quy hoạch treo làm đảo lộn cuộc sống người dân, điển hình như dự án đường N10 ở Tam Kỳ treo hàng chục năm, nhiều hộ già yếu nhưng vẫn phải sống trong những ngôi nhà xập xệ, không thể sửa chữa…