Sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri tại 8 huyện trên địa bàn tỉnh với hơn 1.765 lượt cử tri tham gia. Tại các buổi tiếp xúc, cử tri trong tỉnh đã kiến nghị nhiều vấn đề trên các lĩnh vực giao thông, giáo dục, chế độ, chính sách, quốc phòng - an ninh…
Cử tri Phú Ninh kiến nghị đến đại biểu Quốc hội những vấn đề tồn tại liên quan đến chính sách xã hội. |
Cần xử lý nghiêm các vụ tham nhũng
Cử tri Quảng Nam đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng cho phép thành lập tổ đại biểu HĐND cấp xã nhằm tạo điều kiện cho việc tổ chức hoạt động, nhất là tiếp xúc cử tri. Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn về kinh phí hoạt động cho ban kinh tế - xã hội, ban pháp chế HĐND cấp xã và quy định rõ số lượng, thành phần cụ thể để tăng cường vai trò, trách nhiệm của các ban HĐND cấp xã.
Về chống tham nhũng, cử tri đề nghị Chính phủ sử dụng khẩu hiệu “tiêu diệt tham nhũng” để thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với giặc “nội xâm” tham nhũng. Đồng thời chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng đã phát hiện thời gian qua để lấy lại niềm tin của nhân dân, nhất là vụ ông Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sai quy định của Đảng, của pháp luật. Ngoài ra, cử tri Quảng Nam còn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xem xét trách nhiệm trong việc để các đối tượng tham nhũng bỏ trốn, gây bất bình trong nhân dân (như vụ ông Trịnh Xuân Thanh).
Cần nâng cấp, sửa chữa các công trình giao thông
Việc xây dựng mương thoát nước dọc tuyến quốc lộ 14E và quốc lộ 40B không có nắp đậy, mặt đường xuống cấp nặng, quá hẹp, lưu lượng người và phương tiện giao thông trên 2 tuyến đường này rất lớn nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, có giải pháp xử lý, nâng cấp 2 tuyến đường nêu trên nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông. Cử tri đề nghị sớm xem xét bố trí đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Kỳ Lý - quốc lộ 1 (Phú Ninh); đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Hương An (điểm giao nhau giữa quốc lộ 1 mới với quốc lộ 1 cũ và đường vào chợ Hương An, phía bắc cầu Hương An, huyện Quế Sơn), vì đây là 2 điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông làm chết người.
Hiện nay, điểm giao nhau giữa đường sắt và ĐT 611 (tại xã Phú Thọ, Quế Sơn) rất gồ ghề, phần bê tông do đường sắt thi công đã hư hỏng, xuống cấp nhưng không được sửa chữa, phương tiện giao thông đường bộ qua lại khó khăn và nguy hiểm. Cử tri đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường sắt kiểm tra, khắc phục. Bên cạnh đó, cử tri các huyện tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT xem xét mở rộng thêm phần đường dành cho xe thô sơ trên tuyến quốc lộ 1 (một số đoạn qua địa bàn tỉnh. Đồng thời đề nghị xem xét hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng cầu treo qua sông Mỹ tại thôn Rô, xã Cà Dy, huyện Nam Giang để nhân dân đi lại được thuận lợi.
Nhiều chính sách chưa phù hợp Trên lĩnh vực giáo dục, cử tri kiến nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp nghề tràn lan như hiện nay. Trong khi đó, chất lượng đào tạo kém, không đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo ra tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, sinh viên đào tạo ra không có việc làm, gây lãng phí xã hội, bức xúc trong cử tri và nhân dân. Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT xây dựng bộ sách giáo khoa chuẩn, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo tính khoa học, ổn định lâu dài, tránh gây khó khăn cho người học và lãng phí xã hội. Cử tri tiếp tục phản ánh, bộ máy hành chính nhà nước ta quá cồng kềnh, nhưng hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức còn nhiều bất cập, lương quá thấp, nhất là những người hoạt động không chuyên trách ở xã. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo, có giải pháp xử lý vấn đề này. Đồng thời xem xét nâng mức hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ thôn, trong đó có chi hội trưởng hội người cao tuổi, tạo điều kiện, động viên họ tích cực tham gia công tác chính trị - xã hội tại địa phương. Hiện nay, số mộ liệt sĩ mai táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ xuống cấp nghiêm trọng, trong đó, có rất nhiều mộ liệt sĩ không còn thân nhân chủ yếu, không ai chăm sóc tu bổ. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí để gia đình liệt sĩ, kể cả thân nhân không chủ yếu có điều kiện chăm lo, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp số mộ liệt sĩ này. Đồng thời đề nghị xem xét, nâng mức trợ cấp cho đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; quan tâm nâng mức trợ cấp của người bị địch bắt tù đày, cựu thanh niên xung phong lên bằng mức lương cơ sở (1.210.000 đồng/tháng). Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức hưởng bảo hiểm y tế của người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế khi chuyển ngành được hưởng 100% như đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9.11.2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30.4.1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (hiện nay, đối tượng này chỉ được hưởng 95% bảo hiểm y tế là thiệt thòi). Ngoài ra, cử tri còn kiến nghị Chính phủ xem xét miễn phí, lệ phí liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Các xã đặc biệt khó khăn, xã khó khăn ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên thực tế không có khả năng hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách hỗ trợ đặc thù giúp các xã trên hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đối với trẻ em, phụ nữ có thai của “Dự án tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” không phù hợp với tình hình thực tế, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên có nguy cơ làm gia tăng sinh con thứ 3. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét, nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp. |
BẢO NGUYÊN (Tổng hợp)